Lai Châu là tỉnh miền núi có diện tích rừng khoảng 481 ha, tỷ lệ che phủ là 51,44%; trên 70% dân số có cuộc sống liên quan đến rừng. Căn cứ trên điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tỉnh nhận định phát triển dược liệu dưới tán rừng là hướng đi phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tại các huyện Sìn Hồ, Tam Đường, Mường Tè đẩy mạnh gây trồng dược liệu. Đây được xem là cơ hội giúp người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới Lai Châu thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung
Huyện Sìn Hồ có hơn 600 ha dược liệu bao gồm đương quy, atisô, sâm cát cánh, thất diệp nhất chi hoa... tập trung ở các xã Sà Dề Phìn, Làng Mô, Tả Phìn, Phăng Sô Lin, Tả Ngảo. Huyện được xác định là 1 trong 8 vùng dược liệu trọng điểm của cả nước. Từ nhiều năm nay, địa phương này đã khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng lương thực kém hiệu quả sang cây dược liệu.
Đặc biệt, cây sâm Lai Châu đã được Sìn Hồ xác định là cây hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao. Cây sâm được mở rộng trồng dưới tán rừng vừa góp phần bảo vệ rừng, vừa phát triển lâm nghiệp bền vững.
Theo ông Nguyễn Khắc Tiệp – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Sìn Hồ, trong quá trình triển khai vùng dược liệu, đơn vị đã chủ động tích cực tham mưu cho UBND huyện trong định hướng phát triển. Đồng thời, các xã tăng cường tuyên truyền tiềm năng lợi thế cho người dân về chuyển đổi cây trồng.
Huyện có các chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cùng các hộ dân tham gia liên kết đầu tư trồng dược liệu, bao tiêu sản phẩm. Thông qua đó, đồng bào dân tộc Mông, Dao trên địa bàn các xã nắm bắt được kỹ thuật cải tạo đất, nhân giống, chăm sóc dược liệu, phát triển nông nghiệp bền vững.
Anh Phàn A Sơn (trú tại bản Sin Chải, xã Giang Ma, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) thành lập hợp tác xã Bảo tồn và phát triển giống sâm Lai Châu từ năm 2017. Khi bắt tay vào làm, anh Sơn thu mua 500 cây sâm từ 5 đến 10 năm tuổi. Từ 2000 m2 ban đầu đến nay vườn đã mở rộng ra 2,5 ha.
Anh Sơn và những người trong hợp tác xã đã đi học tập tại Viện nghiên cứu lâm sinh về kỹ thuật trồng, canh tác, thu hoạch hạt sâm, ươm để đạt hiệu quả cao.
Cây sâm giống ngoài thu hoạch hạt, anh còn bán lá, thân cây để chế biến trà. Hợp tác xã này mang lại việc làm cho 12-15 người với thu nhập 250-300 nghìn đồng/ngày.
Hiện nay, toàn huyện Tam Đường có 17,1 ha sâm Lai Châu, 4 cơ sở sản xuất giống với tổng diện tích 3,13 ha. UBND huyện Tam Đường tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp liên kết với người dân trồng sâm. Đồng bào DTTS góp đất, nhân công và các đơn vị liên kết cung cấp giống, kỹ thuật chăm sóc.
Để phát huy tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng, tỉnh Lai Châu đã thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án xác định tập trung phát triển trồng cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh phát triển trồng mới 03 ha Sâm Lai Châu, 5 ha bảy lá một hoa, 2 ha lan kim tuyến và 250 ha các loài dược liệu khác như: hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đương quy, Atisô. UBND tỉnh đã đề xuất các nội dung tham gia vào Chương trình phát triển cây sâm Việt Nam và đến năm 2030 diện tích trồng sâm là 3.000 ha trong đó 90% là trồng dưới tán rừng phòng hộ.