Những năm qua, người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Phú Yên được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án và chính sách an sinh xã hội, nên đời sống kinh tế, xã hội ngày càng phát triển; vai trò người đồng bào DTTS ngày càng được nâng cao.
Xã Suối Trai là xã vùng cao nằm phía Tây của huyện Sơn Hòa cách trung tâm hành chính huyện khoảng 25km. Có vị trí địa lý: Đông giáp với Thị trấn Củng Sơn; Tây giáp xã Krôngpa; Nam giáp với xã Đức Bình Tây; Bắc giáp xã Eacharang. Tổng diện tích đất tự nhiên của toàn xã là 6.447,18ha (trong đất nông nghiệp: 4.813,12ha, đất phi Nông nghiệp: 1.434,240ha; đất chưa sử dụng 199,82ha).
Hiện nay xã Suối Trai có 3 thôn (Thôn Hoàn Thành, Thôn Thống Nhất và Thôn Xây Dựng), có 558 hộ với 2.579 khẩu; dân tộc Ê-đê chiếm đa số. Việc phát triển kinh tế được quan tâm với tổng đàn gia súc, gia cầm trong thôn trên 800 con. Công tác khuyến học được quan tâm, trẻ em đi học đúng độ tuổi ở các bậc học đạt tỉ lệ cao.
Tổng số hộ nghèo cuối năm 2022: có 240 hộ, chiếm tỷ lệ 46.97%; hộ cận nghèo: 66 hộ, chiếm tỷ lệ 12.92%. Nhân dân toàn xã sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng cây mía, cây sắn mì và một số dịch vụ buôn bán lẻ. Trên địa bàn xã hiện nay có 728 xe; máy cày các loại lớn nhỏ 40 chiếc, ôtô tải 3 chiếc... Nhờ có các phương tiện trên mà nhân dân giảm bớt khó khăn, nhọc nhằn trong lao động, sản xuất.
Thời gian qua, xã Suối Trai đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhân dân trong xã gia tăng sản lượng trồng trọt, chăn nuôi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Với đặc thù 90% là đồng bào dân tộc, bà con trong xã đã cùng nhau gìn giữ, phát huy truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc mình; đoàn kết, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng nhau nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Đáng chú ý, dù có xuất phát điểm từ một xã đặc biệt khó khăn miền Tây Phú Yên, nhưng việc học tập của con em xã Suối Trai luôn được chăm lo, tạo điều kiện. Cùng với đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo ra môi trường bình yên để người dân an tâm lao động, sản xuất, cải thiện đời sống, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế vùng DTTS-MN đang dần dịch chuyển theo xu hướng phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh. Hạ tầng cơ sở các huyện miền núi phát triển kịp thời, phù hợp với chiến lược hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng DTTS-MN. Riêng lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành các vùng cây nguyên liệu như sắn, mía, được gắn với các nhà máy công nghiệp chế biến đường, tinh bột sắn, giúp người dân xóa đói giảm nghèo hiệu quả, bền vững. Về công nghiệp cũng đã hình thành các ngành công nghiệp quan trọng như thủy điện, khai thác lâm sản và chế biến vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản. Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng được hình thành và ngày càng phát triển.
Tại các huyện miền núi, nhiều tuyến đường đi các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên cũng như các trung tâm huyện lỵ, tỉnh lỵ thường xuyên được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 100% số xã miền núi đều có đường ô tô đến trung tâm xã và các tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, nhựa hóa… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con được thuận lợi hơn. Các công trình thủy lợi thường xuyên được mở rộng, nâng cấp; xây dựng mới nhiều công trình thủy lợi nhỏ, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tưới tiêu, trồng cây lương thực tại chỗ cho đồng bào DTTS cũng như phát triển diện tích trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày.
Ngoài ra, các điều kiện về điện lưới quốc gia, phủ sóng phát thanh, truyền hình, bưu điện văn hóa xã, hệ thống thông tin liên lạc; các hạ tầng về y tế, giáo dục, văn hóa vùng đồng bào DTTS… cũng không ngừng được nâng cấp, nhằm nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế cho người đồng bào DTTS.