Đồn Biên phòng Làng Mô, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình quản lý 16 mốc quốc giới và chiều dài 43km đường biên. Trong một quý, đơn vị phải tuần tra hết toàn bộ cột mốc giới theo phân công.
Dốc Mây được xem là bản xa xôi nhất ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, nằm giáp biên giới 2 nước Việt Nam - Lào và biệt lập với thế giới bên ngoài. Đây là nơi sinh sống của 22 hộ nghèo dân tộc Bru-Vân Kiều.
Để đến được với bản Dốc Mây, từ trung tâm xã Trường Sơn phải đi bộ hơn 20km đường rừng với nhiều đoạn đường dốc lởm chởm đá tai mèo cao vút, rất nguy hiểm. Thấu hiểu những khó khăn của đồng bào nên cấp ủy, chính quyền xã Trường Sơn và Đồn Biên phòng Làng Mô luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho bà con.
Dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng bà con bản Dốc Mây luôn sẵn sàng giúp đỡ Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ biên giới.
Hàng chục năm nay, ông Hồ Bang đã tình nguyện trông coi cột mốc quốc giới số 552. Cột mốc này nằm cách bản Dốc Mây hơn 5 tiếng đồng hồ đi bộ. Ngoài những lần cùng Bộ đội Biên phòng thực hiện các chuyến tuần tra thì cứ vài ba tuần, ông Bang lại một mình xuyên rừng lên thăm mốc quốc giới số 552.
“Nếu lên thấy cây cối che cột mốc, mình sẽ chặt bỏ cho quang sáng. Quanh mốc giới không có nước nên mỗi lần đến kiểm tra mình phải chặt cây chuối rồi lấy bẹ để lau quanh cột mốc. Nếu phát hiện cột mốc bị bong tróc mình sẽ báo ngay cho Bộ đội Biên phòng”, ông Hồ Bang chia sẻ.
Ông Hồ Bang là người có uy tín của bản, nhờ ông Bang tuyên truyền mà nhiều bà con ở Dốc Mây trở thành những người đi đầu trong phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Không chỉ tham gia tuần tra đường biên, mốc quốc giới, trong những lần đi rừng lấy mật ong, tìm lá thuốc… người dân xã Trường Sơn còn kết hợp kiểm tra, phát quang mốc quốc giới và cung cấp các thông tin liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cho Bộ đội Biên phòng.
Ở xã Trường Sơn, nhắc đến “cột mốc sống”, nhiều người còn nghĩ ngay đến già làng Trần Văn Phúc, người Bru-Vân Kiều bản Khe Cát.
Năm nay đã 85 tuổi nhưng già Phúc vẫn còn minh mẫn. Dù không thể nhớ hết đôi bàn chân mình đã đi cùng Bộ đội Biên phòng bao nhiêu chuyến tuần tra biên giới nhưng đối với già Phúc, đó là những kỷ niệm đầy tự hào không bao giờ quên.
“Khoảng năm 1975, tôi cùng Bộ đội Biên phòng đi tuần tra, lúc đó chưa có đường lên biên giới, cột mốc quốc giới, cộc dấu trên biên giới chưa rõ ràng nên cứ hình dung con suối, dãy núi cao là biên giới, bên này của nước mình, bên kia nước bạn Lào mà thôi”, già Phúc nhớ lại.
Cũng theo già Phúc, hầu hết các chuyến tuần tra biên giới giữa rừng già Trường Sơn những năm 80, 90 đều gian khổ và rình rập nhiều rủi ro do thú dữ và bệnh sốt rét. Mỗi chuyến đi như vậy mất nhiều ngày, trên vai các chiến sĩ biên phòng và dân quân như ông mang nặng gạo muối và tăng võng.
Tuần tra biên giới cùng Bộ đội Biên phòng với ông như là nhiệm vụ, là mệnh lệnh xuất phát từ trái tim và niềm tin vì sự bình yên của bản làng, của Tổ quốc. Sau này, có các chiến sĩ dân quân trẻ, nhiệt huyết cùng tham gia tuần tra cột mốc chủ quyền với Bộ đội Biên phòng và già Phúc cũng đã mỏi gối, chồn chân nên ông được nghỉ ngơi.
Tuy vậy, kinh nghiệm đi rừng và những kiến thức, sự am hiểu về núi rừng Trường Sơn của già Phúc đã giúp ích cho nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô và dân bản Trường Sơn trong những chuyến xuyên rừng kiểm tra biên giới, cột mốc chủ quyền.
Trung tá Nguyễn Trung Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng làng Mô chia sẻ: “Đường tuần tra mốc quốc giới vô cùng khó khăn bởi rừng sâu, núi cao nhưng với sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, sự ủng hộ của các cấp chính quyền, sự đồng hành thầm lặng của đồng bào dân tộc ở bản làng sống dọc biên giới phía Tây Trường Sơn, lực lượng Bộ đội Biên phòng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc, bình yên vùng biên cương của Tổ quốc”.
Hải Sâm