Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng có tới 65% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Nhiều năm trở lại đây, trồng dâu, nuôi tằm đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần nâng cao đời sống người dân ở huyện Đam Rông, giúp hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Với nguồn vốn gần 13 tỷ đồng từ các chương trình Giảm nghèo, Xây dựng nông thôn mới..., huyện đã hỗ trợ cho trên 370 nông hộ phát triển diện tích trồng dâu bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời, hỗ trợ các nông hộ xây dựng mới 3 cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao và xây dựng mô hình tự động cơ giới hóa trồng dâu, nuôi tằm tại các xã Rô Men, Liêng S’rônh, Đạ K’nàng...

t9 01 img 3195 20230920232244.jpg
Huyện tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển trồng dâu, nuôi tằm.

Các cơ quan, ban, ngành huyện Đam Rông đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và mở lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn về kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ…, thu hút hơn 1.200 người tham gia. Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện để người dân vay vốn phát triển trồng dâu, nuôi tằm, nhất là các hộ nghèo và cận nghèo theo nhóm cộng đồng, có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo hiệu quả, thoát nghèo bền vững.

Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Đam Rông cho biết, địa phương đã hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm cho 38 hộ với kinh phí 570 triệu đồng. Mục tiêu của huyện là đến cuối năm 2023, xây dựng và hình thành ít nhất 3 chuỗi liên kết ở 3 tiểu vùng về tổ chức sản xuất trồng dâu, nuôi tằm gắn với tiêu thụ kén tằm, ươm tơ; phấn đấu đạt trên 1.200 tấn kén tằm mỗi năm. 

Mặt khác, giá kén tằm trên thị trường ổn định ở mức cao nên huyện Đam Rông tích cực vận động người dân chuyển đổi hàng trăm héc ta đất trồng lúa, bắp sang trồng dâu, nuôi tằm. Thu nhập bình quân từ nghề này đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp từ 3 - 4 lần so với canh tác cà phê, gấp 9 - 10 lần canh tác lúa nước.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn 19,3%. Huyện Đam Rông đang nỗ lực phấn đấu để đến cuối năm 2023, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 14,3% với số hộ nghèo là 2.105 hộ.

Đào Lý và nhóm PV, BTV