Biến động khôn lường

Sau 10 phiên tăng liên tục và xác lập đỉnh cao trong 7 năm ở mức 1.613 USD/ounce, giá vàng quay đầu giảm rất mạnh, tới đầu giờ chiều 9/1 bất ngờ tụt giảm chỉ còn 1.540 USD/ounce. Đây là một mức biến động lớn ít thấy trên thị trường vàng thế giới.

Vàng tăng lên đỉnh cao 1.613 ngay sau khi Iran phóng tên lửa đất đối đất tấn công 2 căn cứ không quân tại Iraq có lính Mỹ đồn trú. Trước đó, Mỹ đã cho máy bay không người lái phóng tên lửa giết chết nhân vật quyền lực số 2 Iran, tướng Qassem Soleimani, ngay sân bay quốc tế Baghdad của Iraq.

Giới đầu tư lo ngại một cuộc chiến giữa Mỹ cùng đồng minh với Iran sẽ nổ ra khiến Trung Đông vốn đã bất ổn trở nên rối loạn hơn bao giờ hết. Giá dầu cũng đã tăng vọt thêm 5-7% trong một thời gian ngắn, trước khi quay đầu giảm sau bài phát biểu của tổng thống Mỹ Donald Trump.

{keywords}
Hai tuần biến động kinh hoàng trên thị trường tài chính thế giới.

Thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới cũng biến động khó lường không kém. Chứng khoán châu Á đồng loạt đỏ sàn khi căng thẳng Mỹ-Iran leo thang và nhất là khi truyền thông Iran đưa tin hơn 80 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, trái ngược với những thông tin không thương vong từ truyền thông phương Tây.

Nỗi lo về “những ngày đen tối”, về một cuộc trả đũa qua lại trên quy mô rộng giữa Mỹ và Iran,... đã khiến TTCK quy mô hàng chục ngàn tỷ USD của Mỹ chao đảo.

Tuy nhiên, TTCK Mỹ đã ngay lập tức đảo chiều tăng mạnh sau bài phát biểu trên truyền hình hôm 8/1 của Tổng thống Mỹ Donald Trump với đánh giá cho rằng Iran đã “bình tĩnh hơn” sau vụ tấn công căn cứ không quân Ain al-Asad.

Trong bài phát biểu, ông Trump khẳng định Mỹ không chịu bất cứ thiệt hại về sinh mạng, thiệt hại tối thiểu về cơ sở vật chất và vụ tấn công của Iran chỉ mang tính biểu tượng. Tổng thống Trump đã quyết định không có hành động quân sự nào thêm đối với Iran ngoài việc gia tăng trừng phạt kinh tế với nước này.

Chứng khoán Mỹ ngay lập tức vọt lên đỉnh cao lịch sử với chỉ số công nghệ Nasdaq Composite, chỉ số tầm rộng S&P 500 và chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đều tăng khoảng 22-35% trong vòng một năm qua.

{keywords}
Ông Donald Trump tuyên bố Mỹ và Trung Quốc sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào 15/1 tới.

Trước đó, cuối 2019, TTCK Mỹ liên tục lập đỉnh cao mới nhờ những tiến triển tích cực trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Trong phiên mở cửa đầu năm mới 2020, TTCK Mỹ cũng đã tăng mạnh lên đỉnh lịch sử sau khi ông Trump tuyên bố Mỹ và Trung Quốc sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào ngày 15/1 tới tại Washington bất chấp Bắc Kinh im lặng, không có lời xác nhận nào về sự kiện quan trọng sắp diễn ra.

Vạn sự khởi đầu nan, triển vọng 2020 sáng sủa

Sau hai tuần đầy biến động, các chỉ số chứng khoán Mỹ trở lại mức cao lịch sử mọi thời đại và kéo dài xu hướng tăng mạnh có từ năm 2019. Trong khi đó, giá dầu và vàng ổn định trở lại, về các mức trước cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran.

Trên CNN, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất Suhail Al Mazrouei cho biết, khối Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ sẵn sàng ứng phó với các căng thẳng ở Trung Đông.

Theo một dự báo vừa được Ngân hàng Thế Giới (World Bank) đưa ra, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2020 do đầu tư và thương mại dần khôi phục sau một năm ảm đạm.

Nhiều đánh giá cho rằng, những mâu thuẫn Mỹ-Trung hay Mỹ-Iran vẫn tồn tại và chưa thể giải quyết trong ngắn hạn. Tuy nhiên, căng thẳng được cho là khó leo thang trong bối cảnh chính quyền ông Trump cần một sự yên ổn và một nền kinh tế tươi sáng trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Về phía Iran, sự suy yếu về kinh tế sau nhiều năm bị cấm vận và sức mạnh quân sự đáng sợ của Mỹ ở vào thời điểm hiện tại có thể khiến họ chùn bước. Còn Trung Quốc, những bất ổn về kinh tế và chính trị trong nước có lẽ khiến Bắc Kinh muốn duy trì một mối quan hệ tốt đẹp hơn với nước Mỹ.

{keywords}
Mỹ tuyên bố không leo thang quân sự với Iran nhưng sẽ tăng trừng phạt kinh tế.

Nền kinh tế Mỹ được dự báo vẫn sẽ có triển vọng tươi sáng trong năm 2020. Hàng loạt số liệu gần đây đều cho thấy nền kinh tế Mỹ khỏe mạnh, với tăng trưởng ổn định, thâm hụt thương mại giảm, chỉ số sản xuất tích cực và thị trường lao động ở mức tốt nhất trong vòng 50 năm qua.

Trong năm 2019, chứng khoán Mỹ ghi nhận một năm tăng điểm rực rỡ nhất kể từ 2013 bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang trong cả năm. Chỉ số tầm rộng S&P 500 vẫn có một mức tăng khoảng 28,9% trong cả năm 2019 và đây là mức tăng mạnh nhất trong vòng hơn 30 năm qua. Cũng trong năm 2019, chỉ số Nasdaq tăng tới 35,2% còn Dow Jones tăng 22,3%.

Trước đó, theo thống kê của CNBC, chứng khoán Mỹ dưới thời ông Donald Trump tăng mạnh hơn nhiều so với dưới thời của các tổng thống khác. Theo đó, chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 50% kể từ khi ông trump trúng cử, cao gấp hơn 2 lần so với mức tăng trung bình của các tổng thống Mỹ trong 3 năm đầu nhiệm kỳ.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã tăng thêm hơn 10.000 điểm, tương đương mức tăng hơn 57% kể từ khi ông Donald Trump thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng hôm 8/11/2016. Còn Nasdaq đã tăng khoảng 73%.

Bên cạnh tín hiệu ấm trở lại trong quan hệ Mỹ-Trung, các chính sách tiền tệ nới lỏng cũng được cho là yếu tố thổi thêm sức mạnh cho nền kinh tế Mỹ cũng như Trung Quốc. Ngay đầu năm, hôm 6/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản, tương đương có thể bơm thêm khoảng 115 tỷ USD vào nền kinh tế.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong khi đó phát tín hiệu không tăng lãi suất trong 2020. Đây là một trợ lực đáng kể cho nền kinh tế dưới thời ông Trump. Lịch sử cũng cho thấy, chứng khoán Mỹ thường tăng điểm trong năm thứ 4 trong nhiệm kỳ của 1 tổng thống Mỹ.

M. Hà