Thế giới biến động chưa từng có
Thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa phiên giao dịch 12/3 (đêm qua giờ Việt Nam) ngay lập tức phải tạm ngừng giao dịch do công cụ ngắt mạch tự động kích hoạt trong bối cảnh chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm trên 7%.
Tuy nhiên, các công cụ kỹ thuật không ngăn được đà bán tháo trên thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Ngay sau khi mở cửa trở lại, các cổ phiếu Mỹ đồng loạt lao dốc và khiến TTCK Mỹ đóng cửa, ghi nhận một phiên giảm điểm chưa từng có trong lịch sử.
Chốt phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ giảm 10%, ghi nhận phiên giảm điểm mạnh chưa từng có trong lịch sử, còn tính theo giá trị tương đối thì chỉ sau lao dốc tồi tệ nhất kể từ cú sập sàn trong ngày Thứ Hai đen tối năm 1987 (khi đó giảm 22,6%).
Chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm 2.352,6 điểm, tương đương mức giảm 9,99% xuống chỉ còn 21.200,62 điểm, thấp hơn nhiều so với đỉnh cao trên 29.400 điểm ghi nhận tròn một tháng trước đây, tương đương mức giảm 28%.
Ngày 12/3, chứng khoán Mỹ ghi nhận phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ 1987. |
Chỉ số tầm rộng S&P 500 của Mỹ cũng giảm 9,5% xuống 2.480,64 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 9,4% xuống còn 7.201,8%. Tất cả các chỉ số chứng khoán của Mỹ đều giảm trên 20% so với đỉnh cao khoảng một tháng trước đây và đều rơi vào một thị trường giá xuống (bear market).
Cú giảm đêm qua khiến vốn hóa trên TTCK Mỹ bốc hơi khoảng 4-5 ngàn tỷ USD. Riêng 4 ông lớn công nghệ Apple, Facebook, Alphabet, Amazon and Microsoft chứng kiến vốn hóa bay hơn 416 tỷ đồng chỉ trong một phiên giao dịch.
Hai ông lớn Apple và Microsoft ghi nhận vốn hóa tụt xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD.
Cổ phiếu một số công ty du lịch, du thuyền như Royal Caribbean, Carnival và Norwegian Cruise Line… đều giảm từ 15-25%. Các cổ phiếu hàng không như United, Delta và American đều giảm hơn 10%.
Chứng khoán Mỹ lao dốc với số điểm mất lớn chưa từng có sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu (pandemic) và tổng thổng Mỹ Donald Trump ngay lập tức tuyên bố chỉ các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày để đối phó với sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Chứng khoán Mỹ giảm khiến túi tiền của các NĐT bốc hơi hàng ngàn tỷ USD. |
Quyết định bất ngờ của ông Donald Trump ngay lập tức làm rúng động thị trường tài chính toàn cầu. Chứng khoán châu Âu đón nhận thông tin với một phiên giảm chưa từng có trong lịch sự: giảm tới 11% không phải chỉ vì nỗi lo sợ dịch bệnh.
Giới đầu tư lo ngại châu Âu đang đứng bên bờ vực thẳm suy thoái sau quyết định của ông Trump và một quyết định đầy thất vọng của Ngân hàng Trung ương ECB: không hạ lãi suất mà chỉ bơm thêm thanh khoản cho hệ thống tài chính.
Châu Âu gặp khó, thế giới thêm một cuộc chiến mới
Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm sâu sau khi cả Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thể dập tắt mối lo ngại về việc virus corona sẽ khiến nền kinh tế trượt dốc. Các nhà đầu tư mong đợi những bước đi mạnh mẽ hơn.
Các phiên giảm điểm mạnh nhất của chứng khoán Mỹ. |
Châu Âu, trong khi đó, thất vọng hoàn toàn khi ECB chần chừ không hạ lãi suất trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực thành ồ dịch và nền kinh tế ngày càng yếu đi sau một thời gian dài rệu rã vì nhiều vấn đề, từ thiếu động lực phát triển, vấn đề nhập cư, vấn đề nước Anh rút khỏi EU (Brexit)…
Hiện nước Ý đang là ổ dịch lớn thứ hai thế giới, Tây Ban Nha là ổ dịch lớn thứ 3… với số ca nhiễm gia tăng chóng mặt, ở nhiều nước châu Âu khác tình hình cũng xấu đi. Ý và Đan Mạch đã đóng cửa quốc gia vì Covid-19.
Quyết định mới nhất của ông Trump khiến nhiều người nghi hoặc, không biết điều gì đang xảy ra. Quyết định của ông Trump không chỉ hạn chế với khối lượng lớn thương mại và hàng hóa, mà còn nhiều thứ khác.
Một số đại sứ châu Âu tại Mỹ thừa nhận họ "không biết gì", "không có dấu hiệu báo trước nào" về lệnh cấm mà chính quyền Tổng thống Trump thông báo tại Nhà Trắng. Các quan chức ngoại giao Mỹ cũng không rõ chính xác những gì ông Trump định triển khai.
Hồi đầu tháng 2, ông Trump cho biết, đã đến lúc Mỹ phải đàm phán “nghiêm túc” với EU về thương mại. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn cho rằng, "châu Âu đã đối xử với Mỹ rất tệ,” “tệ hơn Trung Quốc”.
Đây là những tín hiệu cho thấy, nhiều khả năng chính quyền ông Trump sẽ chuẩn bị những bước đi mới, sau khi đã tương đối thành công trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Chính quyền ông Trump cũng đã có những hiệp định thuận lợi tại khu vực Bắc Mỹ, với Ấn Độ và Nhật Bản.
Quyết định của ông Donald Trump khiến châu Âu hoang mang. |
Bất đồng giữa EU và Mỹ ở nhiều mặt trận. Chính quyền Trump nhiều lần đe dọa trừng phạt thuế quan đối với ô tô của châu Âu, cùng với các mức thuế quan đã có trong 2 năm qua với thép và nhôm của EU.
TTCK thế giới chao đảo không chỉ vì dịch Covid-19 mà còn do 2 cuộc chiến khác cũng đang diễn ra: một cuộc chạy đua nới lỏng chính sách tiền tệ của các nước (nhằm vực dậy nền kinh tế vì Covid-19) và một cuộc chiến dầu khí do bất đồng giữa OPEC (đứng đầu là Saudi Arabia) và Nga, nhưng thực chất lại là một cuộc chiến nhằm kéo tụt vị thế ngay càng lên cao của Mỹ trên thị trường dầu mỏ, nhất là dầu khí đá phiến.
Giá dầu thế giới đêm qua tiếp tục giảm mạnh sau khi đã giảm 4% trong phiên 11/3 và giảm 25% trong phiên 9/3 (mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991). Hiện giá dầu WTI đang ở mức 31 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Brent ở mức 33 USD/thùng. Mức giá WTI 30 USD năm 2014-2015 đã nhấn chìm chứng khoán kinh tế Nga.
M. Hà