Thỏa thuận lịch sử
Sau gần 2 năm căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc hôm 15/1 đã chính thức ký thỏa thuận thương mại đầu tiên, thỏa thuận một phần với tên gọi Thỏa thuận Giai đoạn 1 tại Washington giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao lại là Phó thủ tướng Trung Quốc ký mà không phải là người đồng cấp với ông Donald Trump? Nhưng điều này có lẽ không thực sự quan trọng, bởi đối với vị tổng thống Hoa Kỳ, nội dung, giá trị cốt lõi mới là điều đáng quan tâm.
Chia sẻ trên trang cá nhân, ông Donald Trump cho hay ông đã hứa sẽ sử dụng quyền lực của tổng thống theo luật pháp để bảo vệ người Mỹ khỏi những thông lệ thương mại không công bằng, và với thỏa thuận mới với Trung Quốc ông đã thực hiện được lời hứa.
Phát biểu tại lễ ký kết, ông Trump cho rằng đây là bước tiến quan trọng mà nước Mỹ chưa từng thực hiện với Trung Quốc, mở ra một tương lai công bằng và có đi có lại trong thương mại giữa hai nước. Thỏa thuận sẽ đảm bảo về kinh tế và công bằng cho công nhân, nông dân và các gia đình Mỹ.
Dấu ấn lịch sử, Donald Trump và Trung Quốc thay đổi, thế giới thở phào |
Về phần mình, qua bức thư ông Lưu Hạc đọc, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, thỏa thuận này tốt cho Trung Quốc, Mỹ và cả thế giới. Hai quốc gia có khả năng hành động dựa trên cơ sở bình đẳng. Ông Tập cũng bày tỏ hy vọng phía Mỹ sẽ đối xử công bằng đối với các công ty của Trung Quốc.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc nhận xét thỏa thuận “đã giải quyết đáng kể những quan ngại” của cả hai nước về những vấn đề liên quan tới thương mại, sở hữu trí tuệ.
Còn theo tờ Nhân dân Nhật báo, đây là một sự “khởi đầu mới” đối với mối quan hệ Mỹ-Trung. Đài truyền hình quốc gia CCTV đánh giá thỏa thuận đạt được là lợi ích chung của cả Mỹ và Trung Quốc.
Vậy thỏa thuận Giai đoạn 1 này có những cam kết gì mà nhiều tờ báo trên thế giới, gồm cả phía Mỹ và Trung Quốc coi đây là một bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Trung và cả cho kinh tế thế giới?
Theo CNBC, nội dung nổi bật trong bản thỏa thuận Giai đoạn 1 là Trung Quốc cam kết mua tổng cộng 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ trong 2 năm tới, riêng hàng nông sản khoảng chục tỷ USD. Ngược lại, chính quyền ông Trump cam kết không áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc và giảm mức thuế 15% áp lên 120 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 1/9/2019 xuống còn 7,5%.
Ngoài ra, thỏa thuận bao gồm những cam kết mang tính chất xây dựng từ phía Trung Quốc như: tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ, ngừng ép buộc chia sẻ công nghệ, mở cửa lĩnh vực dịch vụ tài chính và kiềm chế việc hạ thấp đồng Nhân dân tệ,...
Thỏa thuận sẽ có hiệu lực 30 ngày sau thời điểm ký kết. Bắc Kinh hứa thực thi nghiêm túc thỏa thuận, trong khi Tổng thống Trump có những lời lẽ tốt đẹp để nói về mối quan hệ của ông với chủ tịch Tập Cận Bình cũng như khẳng định sẽ sớm đến thăm Trung Quốc.
Còn nhiều nguy cơ
Ở mảng dịch vụ tài chính, đây là một thắng lợi lớn của chính quyền ông Trump. Theo đó, Trung Quốc sẽ cho phép các công ty cung cấp dịch vụ tài chính Mỹ nộp đơn xin giấy phép thành lập công ty quản lý tài sản, cho phép trực tiếp mua nợ xấu từ các ngân hàng Trung Quốc.
Muộn nhất là đầu quý 2/2020, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong nhiều lĩnh vực được cho là nhạy cảm như: bảo hiểm y tế, nhân thọ, chứng khoán, quản lý quỹ... Các hãng đánh giá tín nhiệm 100% vốn Mỹ chẳng hạn như Fitch, Moody’s... được phép xếp hạng trái phiếu Trung Quốc bán cho nhà đầu tư sau một thời gian dài không thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc.
Trong khi Trung Quốc cam kết kiểm soát một đồng NDT không mất giá (qua đó có lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc) thì ngay trước thềm lễ ký, Mỹ cũng đã gỡ bỏ Trung Quốc khỏi danh sách quốc gia thao túng tiền tệ.
Những cam kết trong thỏa thuận sẽ giúp doanh nghiệp Mỹ dễ dàng hoạt động tại Trung Quốc, bảo vệ được sức mạnh của mình tại thị trường tỷ dân thay vì cảnh luôn chịu những thách thức buộc phải chuyển giao công nghệ và bí mật thương mại để đổi lấy quyền kinh doanh tại nước này như trước đây.
Như vậy, quan hệ thương mại Mỹ-Trung sắp tới khả năng sẽ không leo thang, ít nhất cho tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay.
Được xem là thành công như vậy nhưng nhiều chuyên gia vẫn coi thỏa thuận Giai đoạn 1 chỉ là bước đầu, Mỹ-Trung cần nhiều thời gian để đạt được một thỏa thuận toàn diện, một thỏa thuận Giai đoạn 2 được cho là khởi động ngay sau khi ký thỏa thuận Giai đoạn 1.
Sở dĩ còn nhiều chông gai là bởi sau thỏa thuận Giai đoạn 1, Mỹ vẫn giữ mức thuế 25% với một lượng lớn hàng hóa mua từ Trung Quốc, trị giá 250 tỷ USD, bao gồm các thành phần mà các nhà máy Mỹ sử dụng để lắp ráp thành phẩm. Đây được xem là “vũ khí” được ông Trump dành cho cuộc đàm phán Giai đoạn 2.
Giới đầu tư vẫn thận trọng chờ đợi thỏa thuận sẽ được thực thi như thế nào, bởi trong quá khứ, Trung Quốc đã từng không làm theo những cam kết thương mại với các nước.
Ông Donald Trump và Tập Cận Bình. |
Trước đó, phía Mỹ cảnh báo sẵn sàng áp dụng các biện pháp bổ sung tương xứng nếu Trung Quốc không tuân thủ thỏa thuận, trong đó có việc không mua hàng.
Chính tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cũng quan ngại về tính hiệu quả của thỏa thuận thương mại vừa đạt được, trong bối cảnh mối quan hệ song phương chiến lược đang giảm sút rõ rệt và nhiều bất ổn lớn còn tồn tại.
Theo các chuyên gia, một vấn đề lớn chưa được đề cập trong thỏa thuận lần này là trợ cấp nhà nước của Bắc Kinh đối với các công ty trong nước. Đây là lý do chính quyền ông Trump cáo buộc dẫn đến dư công suất ngành nhôm và thép, đe dọa các ngành công nghiệp từ chế tạo máy bay đến chất bán dẫn của Mỹ.
Ngoài ra, thỏa thuận cũng chưa giải quyết được các bất cập thương mại điện tử và các quy định an ninh mạng phiền hà của Trung Quốc khiến các công ty công nghệ Mỹ hoạt động tại nước này gặp khó.
Dù vậy, trước mắt, thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 là một bước tiến nhằm giảm xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc và được đánh giá là sẽ giảm ảnh hưởng tiêu cực tới đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Một thỏa thuận thực sự cần thiết đối với ông Trump khi chuẩn bị bước vào năm bầu cử 2020 và giúp Trung Quốc cải thiện triển vọng thương mại, giảm bớt các biện pháp kích cầu, nới lỏng chính sách tiền tệ... vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
M. Hà