Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Trong khi Donald Trump liên tiếp áp thuế và đe dọa mở rộng quy mô thì Trung Quốc đã có những phản đòn khá mạnh.
Thế giới chao đảo
Hàng loạt thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới tiếp tục giảm điểm do lo ngại một cuộc chiến thương mại có thể nổ ra trên phạm vi toàn cầu. Trong phiên 25/6, chỉ số Dow Jones lao dốc, mất hơn 300 điểm và xuống dưới mức trung bình 200 ngày.
Hầu hết các cổ phiếu đều chịu áp lực giảm mạnh, trong đó nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán mạnh nhất. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm hơn 2%. Nhóm cổ phiếu công nghệ chip thậm chí giảm 3,1%.
Chứng khoán châu Âu và châu Á cũng lao dốc mạnh trong phiên đầu tuần.
Đồng USD tăng lên đỉnh 11 tháng, sau đó biến động khá mạnh. Trong khi đó, giá vàng đứng ở mức đáy 2018.
Thị trường tài chính thế giới chao đảo trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ bùng nổ trên diện rộng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các quyết định áp thuế nhập khẩu ở mức cao và liên tiếp đe dọa sẽ mở rộng quy mô áp thuế đối với gần như tất cả các nền kinh tế.
Thị trường ở cả Âu, Á và Mỹ đều giảm manh sau khi có tin Bộ Tài chính Mỹ đang soạn thảo quy định mới nhằm không cho phép các doanh nghiệp có từ 25% cổ phần do Trung Quốc nắm giữ trở lên thâu tóm các công ty công nghệ Mỹ.
Các TTCK tiếp tục đỏ lửa sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết sẽ áp dụng không chỉ riêng với Trung Quốc mà còn áp dụng đối với tất cả mọi quốc gia “đang tìm cách đánh cắp công nghệ của Mỹ”.
Trung Quốc và châu Âu dường như cũng không đứng yên trước các lời đe dọa đến từ chính quyền Donald Trump.
Theo Wall Street Journal, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ không ngần ngại trả đũa thương mại Mỹ ngay tại Hội đồng CEO Toàn cầu hôm 25/6 với sự có mặt của khoảng 20 CEO từ hầu hết các tập đoàn đa quốc gia phương Tây như Goldman Sachs và Volkswagen,...
Cũng theo WSJ, một đại diện của Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ sức ép bên ngoài nào và sẽ không ăn trái đắng. Và đây là nguyên tắc đàm phán mà ông Tập Cận Bình đã đưa ra.
Những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra sau khi chính quyền ông Trump công bố danh sách các mặt hàng trị giá hàng chục tỷ USD của Trung Quốc bị áp mức thuế 25%. Mỹ cáo buộc Bắc Kinh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cảnh báo sẽ áp thuế bổ sung nếu Trung Quốc dùng các biện pháp trả đũa. Ông Trump sau đó tiếp tục công bố các kế hoạch áp mức thuế 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá tới 200 tỷ USD.
Donald Trump dồn dập ra đòn bất chấp lời đe dọa trả đũa
Bắc Kinh sau đó có động thái trả đũa bằng cách áp thuế tương tự lên số hàng Mỹ có cùng trị giá. Không những thế, Trung Quốc đang có những bước đi dường như nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại lâu dài với Mỹ.
Trong một động thái gần nhất, Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng. Đây là một biện pháp nới lỏng tiền tệ, theo đó, một lượng tiền ước tính khoảng 100 tỷ USD sẽ được bơm ra nền kinh tế.
Giải pháp này được xem là cách mà Bắc Kinh chuẩn bị trước cho khả năng kinh tế giảm tốc trước những tác động tiêu cực đến từ các chính sách của Nhà Trắng. Nó sẽ khiến cho đồng Nhân dân tệ yếu đi, qua đó thúc đẩy xuất khẩu, góp phần chống lại sự ngăn cản hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) có hiệu lực đúng một ngày trước khi kế hoạch đánh thuế 50 tỷ USD hàng Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến được thực thi.
Trước đó, hồi đầu tháng 5, Trung Quốc cũng đã có những động thái làm yếu đồng NDT trước thềm đàm phán thương mại với Mỹ. Khi đó PBOC đã giảm mạnh mức tham chiếu xuống còn 6,367 tệ đổi 1 USD.
Bất chấp những tuyên bố và phản ứng rất mạnh từ Trung Quốc cũng như từ các doanh nghiệp và báo chí Mỹ, chính quyền Donald Trump vẫn tiếp tục các kế hoạch đầy tranh cãi của mình.
Biện pháp mạnh của tỷ phú Trump là sẽ ngăn chặn bất cứ doanh nghiệp nào có từ 25% cổ phần do Trung Quốc nắm giữ trở lên thâu tóm các công ty công nghệ Mỹ - một quyết định rất cứng rắn trong bối cảnh Trung Quốc đang hướng nền kinh tế công nghệ với những nhà máy đầy robot làm thay con người, ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo, mà thường được gọi là “Made in China 2025”.
Đây là một chiến lược hỗ trợ DN nội địa, nhất là các ngành công nghệ và kỹ thuật cao như viễn thông, vũ trụ, trí tuệ nhân tạo nhằm thống lĩnh nền công nghiệp hàng hóa thế giới. Và đương nhiên, Trung Quốc cần thâu tóm nhiều DN công nghệ trên thế giới để nắm giữ nhiều phát minh, sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực sản xuất, bao gồm cả quân sự.
Trên thực tế, hiện tại Mỹ vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một loạt các dự báo cho thấy, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong vòng vài năm tới. Còn nếu tính theo ngang giá sức mua (Purchasing Power Parity - PPP) thì nền kinh tế Trung Quốc đã vượt qua Mỹ từ vài năm trước.
Về mặt quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm 26/6 bắt đầu chuyến thăm kéo dài 3 ngày tại Trung Quốc, trùng với thời điểm tổ chức cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương với sự tham gia của 26 quốc gia nhưng Trung Quốc không được mời. Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 2/6, Mỹ phản đối mạnh mẽ các động thái quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông.
Gần đây, theo Reuters, Bắc Kinh đã bắt đầu hạ giọng với chính sách “Made in China 2025”. Quan chức và báo chí Trung Quốc ít nói hơn về kế hoạch này.
Còn tại Mỹ, các DN Mỹ từ các nhà sản xuất toàn cầu Harley-Davidson Inc đến các công ty công nghệ mới khởi nghiệp đang tìm cách ứng phó với một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và châu Âu.
V. Minh
Hơn 1 tỷ USD kẹt trong nhà đất, đại gia Sài thành đau đớn nhận ra sai lầm
Ông trùm nhà ở xã hội Trương Anh Tuấn nhận thấy sai lầm tỷ USD sau khi doanh nghiệp ở đáy trong gần một thập kỷ.
Phá lệ 10 năm: Nữ đại gia mất 250 tỷ lo vụ lớn ngàn tỷ
Vợ chồng ông Lê Văn Quang-Chu Thị Bình lần đầu tiên phá lệ trong hơn 1 thập kỷ để lo vụ lớn ngàn tỷ và hướng tới giấc mơ tỷ USD đã đề ra từ trước đó.
Nhảy vào 100 mảnh đất vàng, đại gia bạo chi hàng ngàn tỷ
Thị trường chứng khoán giảm mạnh, hàng loạt các cổ phiếu xuống đáy. Nhưng đây lại là thời điểm thuận lợi để các đại gia tung trăm, ngàn tỷ để thâu tóm các doanh nghiệp làm ăn tốt hoặc có quỹ đất vàng lớn.