Chưa rõ nguyên nhân

Bản Na Hiêng, xã Châu Hồng là một trong những địa bàn ghi nhận tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình và giếng nước khô cạn nặng nề nhất. 

Hiện tượng địa chất bất thường khiến nhà cửa, trường học bị nứt toác. Ảnh: Người dân cung cấp

Người dân địa phương cho biết, ít ngày trở lại đây, tình trạng sụt lún trở nên tồi tệ hơn rất nhiều.

Câu hỏi băn khoăn nhất của người dân là tại sao tình trạng giếng khô cạn, sụt lún xảy ra từ năm 2019 đến nay, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống, sinh hoạt của bà con, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết dứt điểm?

Chị Nguyễn Thị Hoa (46 tuổi, trú tại xã Châu Hồng) cho biết, suốt mấy năm nay, cứ đến mùa khô, gia đình chị lại chật vật đi tìm nguồn nước. 

“Nước sinh hoạt đã thiếu thốn chứ đừng nói gì đến nước sạch”, chị Hoa bức xúc.

Giếng nước của người dân trơ đáy. Ảnh: Người dân cung cấp

Không chỉ có nhà dân, Trường mầm non xã Châu Hồng cũng nằm trong tình trạng tương tự. Những vết nứt rộng, chạy dọc quanh bờ tường khiến các cô giáo, phụ huynh và cả các em học sinh rất lo lắng.

“Mới đây nhất là vào ngày 28/5, Đoàn tham mưu của UBND tỉnh có đến làm việc. Đoàn cho biết tỉnh cũng đã nắm rõ tình trạng sụt lún đang diễn ra tại đây thông qua các báo cáo của xã, huyện. 

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên đoàn tới làm việc, nắm thông tin. Tại sao sự việc xảy ra gần 4 năm nay, các cấp chính quyền vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng cho người dân”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai (trú tại bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) chia sẻ.

Ông Trương Văn Hóa - Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, kể từ xảy ra tình trạng nứt nẻ, sụt lún, xã đã có gần 30 báo cáo gửi UBND huyện Quỳ Hợp để có chỉ đạo, bàn giải pháp khắc phục tình trạng trên. 

Trung bình, cứ khoảng 1 tháng, xã lại có 1 văn bản báo cáo với những diễn biến nghiêm trọng hơn. Huyện Quỳ Hợp cũng đã thuê Đoàn địa chất Bắc Trung Bộ về khảo sát, tìm giải pháp nưn đến nay chưa tìm ra nguyên nhân của những tình trạng bất thường này.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Chia sẻ với lo lắng, bức xúc của người dân, sáng 29/5, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp đi thị sát tình trạng sụt lún, nứt nẻ đất, nhà ở, công trình, giếng nước khô tại xã Châu Hồng. 

Tại buổi đối thoại trực tiếp với người dân xã Châu Hồng, nói về nguyên nhân sụt lún, nứt nẻ nhà dân, ông Nguyễn Đức Trung chia sẻ, trải qua 4 năm, người dân cũng như xã đã liên tục báo cáo, phản ánh tình trạng thiếu nước sạch, nứt công trình, sụt lún ruộng đồng… nhưng việc xử lý còn chậm trễ, chính quyền sẽ sớm có câu trả lời cho người dân.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An thị sát hiện trạng các vùng đất bị sụt lún. Ảnh: Người dân cung cấp

Chiều cùng ngày (29/5), làm việc với UBND huyện Quỳ Hợp, Chủ tịch tỉnh Nghệ An ghi nhận huyện và xã Châu Hồng đã có những bước xử lý ban đầu. 

Tuy nhiên, công tác phối hợp, đề xuất các biện pháp xử lý còn chưa kịp thời dẫn đến tình hình diễn biến phức tạp hơn, nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản của người dân là rất cao.

Để xác định nguyên nhân sụt lún, nứt nẻ nhà ở, công trình, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng, đặc biệt là những doanh nghiệp có bơm hút nước ngầm.

Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo đúng quy định. 

Liên quan đến sự việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phê bình Sở NN&PTNT trong việc chậm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý; Yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/6.

Sau khi bị Chủ tịch tỉnh phê bình, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An cho rằng bị “oan”.

Nhiều người dân xã Châu Hồng tham dự đối thoại với lãnh đạo tỉnh để làm rõ nguyên nhân, hướng khắc phục sự việc

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, vấn đề mỏ quặng liên quan đến Sở TN&MT, còn đơn vị này liên quan đến cây cối, vật nuôi…

“Vấn đề này không phải là nhiệm vụ của chúng tôi. Chiều hôm 29/5, tại cuộc họp ở UBND huyện Quỳ Hợp, Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận lại nội dung này rồi. 

Còn theo kết luận như trong văn bản thì chúng tôi bị oan”, ông Đệ phân trần.

Như VietNamNet đã thông tin, từ năm 2019 tại xã Châu Hồng đã có tình trạng sụt lún đất và giếng cạn nước. 

Thời gian gần đây, tình trạng này diễn ra ở mức báo động khi toàn xã đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”. 

Việc hố tử thần liên tiếp xuất hiện trên địa bàn xã Châu Hồng cũng như hiện tượng cạn giếng và nứt nhà cửa khiến người dân vô cùng bất an, lo sợ. 

Hòa Bình – Quốc Huy