Giá “chát”: Vừa đi vừa xót
Khi VinFast công bố sẽ cho ra mắt dòng xe ô tô Premium (Pre) trải rộng tất cả các phân khúc, ban đầu bao gồm 7 mẫu các loại từ xe cỡ nhỏ, xe đa dụng thể thao, đến xe gia đình, rất nhiều người Việt Nam kỳ vọng sẽ mua được ô tô với giá hợp lý.
Trên thực tế, theo kế hoạch của VinFast, dòng xe Pre dự kiến ra mắt thị trường vào năm 2020 và được áp dụng chính sách giá đặc biệt, thấp hơn khoảng 20-30% so với các loại xe cùng phân khúc trên thị trường.
Không chỉ VinFast, một số doanh nghiệp khác như Trường Hải, Hyundai Thành Công cho hay sau khi các dự án đầu tư sản xuất ô tô lớn hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ có cơ hội để giảm giá xe.
Nhiều DN mở rộng đầu tư sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa để giá xe có thể giảm |
Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, khi nhà máy ô tô mới của Hyundai Thành công hoàn tất đầu tư vào năm 2019, với công suất 120.000 xe/năm, một số mẫu xe sản xuất tại đây, sẽ có giá bán giảm xuống dưới 400 triệu đồng.
Cùng với việc đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa và Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước, điều này mang lại hy vọng cho người tiêu dùng về giấc mơ được mua ô tô giá rẻ sắp trở thành hiện thực.
Người Việt Nam đang phải chịu mua giá ô tô cao hàng đầu thế giới. Ngoài thuế phí cao thì giá bán của các doanh nghiệp cũng cao. Các doanh nghiệp ô tô thường bán xe dựa trên giá thị trường chấp nhận được, chứ không phải chỉ có giá thành, cộng thêm tỷ lệ lợi nhuận. Chẳng hạn, một chiếc xe nhập khẩu về nước, chỉ cần bán 800 triệu đồng đã có lãi, nhưng thị trường chấp nhận ở mức 1 tỷ đồng thì sẽ bán giá 1 tỷ. Bên cạnh đó, các DN ô tô thường tính giá trị bộ linh kiện và giá trị thương hiệu rất cao, khiến cho giá xe bị đẩy lên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có nhiều cách để duy trì giá bán xe cao như nhập khẩu hay lắp ráp những mẫu mới, thêm vào một số tính năng mới, vậy là có lý do để tăng giá. Đấy là chưa kể nhiều khi xe khan hiếm, khách hàng còn bị các đại lý làm giá, chặt chém không thương tiếc. Có những mẫu xe khách hàng phải chi thêm cả trăm triệu đồng mới được lấy sớm.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Xuân Kiên, chỉ khi nào người Việt Nam làm chủ được công nghệ ô tô và có sản phẩm có sức cạnh tranh thì giá xe mới rẻ và người tiêu dùng Việt Nam mới được hưởng lợi.
Các DN cho rằng Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước |
Giảm giá cả trăm triệu?
Nếu không tăng cường nội địa hóa trong nước, rất khó có cơ hội phát triển ngành công nghiệp ô tô và giảm giá sản phẩm. Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp giảm giá thành xe tối thiểu từ 15-20%, ông Bùi Ngọc Huyên nhận định.
Công ty Hyundai Thành Công đã thuyết phục đối tác sử dụng linh kiện trong nước thông qua liên kết với các doanh nghiệp nội địa. Theo kế hoạch, tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu của ô tô sản xuất tại Nhà máy Hyundai Thành Công ở Ninh Bình là 40% đến năm 2020.
Công ty Trường Hải thời gian qua đã đẩy mạnh đầu tư và hợp tác với các đối tác trong, ngoài nước để sản xuất linh kiện ô tô. Tới 2020 các mẫu xe của Trường Hải cũng sẽ đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%.
VinFast có tham vọng hơn, hướng tới tỷ lệ nội địa hóa 60% vào 2020, với việc sản xuất cả động cơ tại Việt Nam.
Tỷ lệ nội địa hóa tăng giúp giảm chi phí và không bị lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, dẫn đến chủ động trong sản xuất. Giá xe tại Thái Lan, Hàn Quốc Indonesia rẻ là nhờ các doanh nghiệp ô tô đạt tỷ lệ nội địa hóa cao.
Một mẫu xe hạng A hiện có giá bán trên 300 triệu đồng, nếu giảm từ 60-90 triệu đồng, sẽ chỉ còn hơn 200 triệu đồng, phù hợp với khả năng thanh toán của nhiều người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh quyết tâm của doanh nghiệp, cần có sự ủng hộ của Nhà nước và người tiêu dùng. Mong muốn của các doanh nghiệp hiện nay là Chính phủ sớm đưa ra các giải pháp cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nếu không có chính sách hỗ trợ, Việt Nam khó có ngành công nghiệp ô tô.
Người tiêu dùng kỳ vọng giá xe sẽ giảm trong thời gian tới |
Với doanh nghiệp xe sản xuất lắp ráp trong nước hiện nay, nếu đạt tổng doanh số bán 8.000 xe/năm, trong đó mẫu xe nào đạt doanh số 2.000 xe đã được hưởng thuế nhập khẩu bộ linh kiện 0%. Họ sẽ có lợi thế hơn những doanh nghiệp không đạt điều kiện này.
Nhưng điều doanh nghiệp mong chờ nhất sắp tới vẫn là chính sách ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước. Hiện các cơ quan chức năng đã đưa đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện ô tô sản xuất trong nước vào Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bổ sung, dự kiến trình Quốc hội xem xét phê duyệt trong năm 2019. Nếu chính sách này được thông qua, xe sản xuất lắp ráp trong nước sẽ có cơ hội để giảm giá.
Nhiều mẫu ô tô sản xuất lắp ráp trong nước chỉ có tỷ lệ nội địa hóa từ 10-20%. Nếu tỷ lệ nội địa hóa tăng lên 40% thì thuế tiêu thụ đặc biệt với phần này sẽ được miễn. Theo tính toán, một chiếc xe lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa 20%, có giá bán 600 triệu đồng, khi áp dụng chính sách này sẽ có mức giảm giá tương ứng từ 10-12%. Nhưng nếu tỷ lệ nội địa hóa là 40% thì mức giảm giá lên tới 15-20%. Với những DN như VinFast sản xuất cả động cơ trong nước, tỷ lệ nội địa hóa sẽ đạt khoảng 60%, qua đó giúp giá xe giảm khoảng 30%.
Tất nhiên, chính sách này không dành riêng cho VinFast, Thành Công hay Trường Hải, mà cho tất cả doanh nghiệp đầu tư sản xuất ô tô trong nước. Hãng xe nào đạt tỷ lệ nội địa hóa cao thì được miễn thuế nhiều và có điều kiện giảm giá xuống thấp, tăng tính cạnh tranh.
Khi các doanh nghiệp đẩy mạnh nội địa hóa và giảm giá sản phẩm buộc các đối thủ cạnh tranh phải có chính sách giá hợp lý, nếu không muốn mất thị phần và hy vọng mặt bằng giá sẽ xuống theo.
Trần Thủy