Tại khu cách ly trung tâm quận 2 (TP.HCM) có hơn 100 người gồm người cách ly, nhân viên y tế và nhân viên phục vụ đón Tết xa nhà.

Đây là nơi thực hiện cách ly những trường hợp liên quan đến các ca dương tính với SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, Tết ở đây vẫn ấm áp, có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, cây đào, chậu quất.

{keywords}

Anh Đoàn Văn Đức lấy thực phẩm tại siêu thị 0 đồng

Vợ sắp sinh, chồng vào cách ly

Anh Đoàn Văn Đức (38 tuổi, ngụ TP. Thủ Đức) từ TP.HCM về Hải Dương thăm người thân bị bệnh. Quay lại sau 1 tuần, đúng vào thời điểm dịch tại Hải Dương bùng phát, anh Đức phải thực hiện cách ly theo quy định.

“Vợ mình dự sinh mùng 8 Tết, chắc là vợ phải đi bệnh viện một mình thôi”, anh Đức giọng chùng xuống.

Khi được thông báo người về từ vùng dịch phải khai báo y tế và thực hiện cách ly, anh Đức tuân thủ nghiêm túc. Đến nay, anh đã ở khu cách ly trung tâm quận 2 được 4 ngày.

Các y bác sĩ tại Bệnh viện quận 2 và nhân viên y tế đã trang hoàng nơi này để mọi người cảm nhận được không khí Tết. 

“Tôi buồn vì không đưa vợ đi sinh được. Còn ở trong này, các nhân viên y tế quan tâm chu đáo, hỗ trợ đầy đủ các món đồ từ siêu thị 0 đồng. Tôi còn được ăn bánh chưng, củ kiệu nên thấy đỡ buồn hơn”, anh Đức xúc động nói.

Anh Đức cho biết, ngày nào anh cũng gọi điện về nhà thăm hỏi, động viên vợ.

“Chúc vợ luôn vui, cố gắng đừng buồn vì không có chồng bên cạnh lúc sinh con. Nhưng vì sức khỏe của cả nhà, của cộng đồng rồi mình sẽ lại bên nhau. Cố lên vợ ơi”, anh Đức gửi lời chúc tới vợ.

{keywords}

Bà Phạm Thị Hồng Thủy hỏi thăm con ở nhà qua điện thoại

Bà Phạm Thị Hồng Thủy (55 tuổi, ngụ quận 2, TP. Thủ Đức) cho biết, thời điểm này năm ngoái, bà dành thời gian đi chùa, thăm họ hàng, người thân. Năm nay, sau khi từ sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) trở về TP.HCM, bà đã thực hiện khai báo y tế và cách ly. 

“Tôi chỉ dừng ở sân bay hơn 1 tiếng đồng hồ rồi bay về TP.HCM. Tuy nhiên, vì sức khỏe của bản thân và gia đình, tôi vào đây cách ly theo quy định. Ở đây, tôi không lo lắng hay thiếu thốn gì”, bà Thủy nói. 

Đón Tết xa nhà nên chiếc điện thoại giúp bà cảm thấy người thân gần mình hơn.

“Không đón Tết trực tiếp thì mình đón Tết online. Đây là kỷ niệm khó quên không chỉ với tôi, gia đình tôi mà cả những người chung hoàn cảnh. Bây giờ tôi chỉ mong, năm mới cùng nhau mạnh khỏe, thực hiện tốt công tác phòng, chống Covid-19 để dịch bệnh sớm qua đi, cuộc sống trở lại bình thường”, bà Thủy hóm hỉnh nói.

Ngày Tết không nghỉ của nhân viên y tế

Không chỉ những người thực hiện cách ly mà cả các nhân viên y tế ở đây cũng phải đón Tết xa nhà.

Công việc hàng ngày của nhân viên y tế khu cách ly trung tâm quận 2 là kiểm tra sức khỏe của mọi người, đo thân nhiệt và phục vụ các hoạt động của người cách ly, tiếp nhận hàng hóa từ bên ngoài gửi vào theo đúng quy định.

Họ cũng không được về nhà ăn Tết. Sau đợt phục vụ cách ly, họ sẽ tiếp tục tự cách ly tại nhà 14 ngày. 

Chị Thạch Thị Tiên là một trong những hộ lý tham gia vào đội ngũ chăm lo tại khu cách ly của quận 2 từ những ngày đầu. Hàng ngày, chị giặt quần áo sạch sẽ đưa tới từng phòng, lau nhà, làm vệ sinh, chuyển thức ăn. 

“Đợt này, số người cách ly nhiều nên công việc phải luôn tay luôn chân mới xong. Đặc biệt, mình tiếp xúc với những vật dụng như chất thải, quần áo dễ lây nhiễm nên buộc phải mặc đồ bảo hộ. Mỗi lần tháo đồ ra, mồ hôi vã như tắm. Thời gian đầu ngột ngạt rồi dần cũng quen”, chị Tiên chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên chị Tiên cũng như các y, bác sĩ tại đây đón Tết xa nhà.

“Lúc mình nhận lịch trực Tết tại khu cách ly, gia đình buồn và lo lắng. Cậu con trai 15 tuổi hỏi ngày nào mẹ về, con quét dọn nhà cửa phụ mẹ đón Tết. Nhưng qua vài lần tôi động viên con, giờ ngày nào, cháu cũng điện thoại hỏi thăm và động viên ngược lại mẹ”, chị Tiên xúc động nói.

{keywords}

Nhân viên y tế thực hiện đo thân nhiệt cho người trong khu cách ly

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hưng, Bệnh viện quận 2, TP. Thủ Đức, từng dự định sẽ về thăm nhà vì cả năm chưa về. Thế nhưng, khi có dịch bùng phát, số người cách ly tăng, anh lại sẵn sàng làm nhiệm vụ.

“Đây là năm đầu tiên tôi ăn Tết trong khu cách ly, cảm xúc bồi hồi và nhớ nhà. Nhưng sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện và được mọi người ở đây chia sẻ nên tôi cũng cảm thấy vui. Bên cạnh đó, là bác sĩ, tôi phải là người tiên phong để đảm bảo an toàn cho mọi người", bác sĩ Hưng chia sẻ.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện quận 2, TP. Thủ Đức, nhằm động viên tinh thần cho người cách ly và nhân viên y tế, bệnh viện chuẩn bị các đồ dùng và thực phẩm ngày Tết như bánh chưng, củ kiệu, giò...

Đón Tết cùng người xa lạ, những người ở đây dành tặng nhau những lời chúc tốt lành trong năm mới, cùng cố gắng vượt qua dịch bệnh.

Tết Tân Sửu sẽ là cái Tết khó quên đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là các nhân viên y tế và những người phải ăn Tết trong khu cách ly. Mong ước lúc này của họ không gì ngoài sức khỏe cho bản thân, bình yên cho gia đình và cả cộng đồng.

Liên Anh

Bộ trưởng Y tế chia sẻ mong ước lớn nhất trong năm mới

Bộ trưởng Y tế chia sẻ mong ước lớn nhất trong năm mới

Sáng 30 Tết, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã đi thăm, kiểm tra công tác trực tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ông đã chia sẻ mong ước lớn nhất của mình trong năm mới.