- Du khách cùng ăn, ngủ, tham gia sinh hoạt với chủ nhà - du lịch homestay không còn mới mẻ ở Việt Nam nhưng lần đầu tiên được triển khai ở vùng đất tận cùng tổ quốc và mang đến thành công bất ngờ. Không chỉ mang lại thu nhập cao cho mình, mô hình này đã góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững cho nhiều người.

Lãi gấp 10 lần trồng lúa

Sau gần 2 tiếng chạy ca nô, đón chúng tôi nơi tận cùng đất mũi, trong vườn quốc gia U Minh, là nụ cười hiền hậu của anh Nguyễn Văn Nhuần. Giữa mênh mông là nước và rừng cây đước, cây mắm, cây vẹt... ẩn sau những tán cây me là ngôi nhà lợp lá dừa, với luống hoa và hàng cau cảnh làm điệu trước hiên, dàn võng đu đưa bên hông nhà, vườn thanh long, ao cá... Phong cảnh dân dã và bình yên gây ấn tượng ngay với những vị khách đến từ phương Bắc xa xôi.

Vì đã quá trưa nên ai nấy đều đói bụng. Mâm cơm bốc hơi nghi ngút được bê ra. Trong căn chòi được dựng lên giữa bốn bề sông nước, chúng tôi được thưởng thức những món đặc sản nổi tiếng miền Tây như cá thòi lòi nướng, vọp xào bồn bồn, ốc len xào dừa, cá ngát canh chua, lẩu hoa đồng nội... Thêm chén rượu đượm vị ngọt tự nhiên, nồng nàn được lên men từ những loại quả trong rừng nên ai nấy đều thấy ấm cúng, lâng lâng, bất chấp ngoài kia cơn mưa giăng trắng.

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Nhuần với mô hình du lịch homestay thành công ở vùng đất mũi Cà Mau (ảnh N.H)

Cái cách mà anh nông dân Nguyễn Văn Nhuần tiếp đãi khách du lịch hệt như những vị khách quý lâu ngày không gặp. Ban ngày, anh dẫn khách đi câu cá, giăng lưới, mò cua, đặt trúm lươn, bắt thòi lòi, nấu ăn, làm cỗ, ban đêm đi soi ba khía,... mệt đã có võng nằm nghỉ ngơi và cùng khách thưởng thức đờn ca tài tử.

Đi bộ đội rồi về làm nông, tưởng sẽ gắn bó cả đời với nghề trồng rau nuôi cá ở cái miệt vườn thuộc mũi Cà Mau này, vây mà cuộc đời anh Nguyễn Văn Nhuần (sinh năm 1957) lại rẽ sang bước ngoặt mới. Tháng 3/2013, anh tổ chức SIDA của Thụy Điển đã chọn 5 hộ, trong đó có gia đình anh, để đầu tư triển khai mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Được tài trợ 54 triệu đồng, anh Nhuần xây lán, đào ao thả cá, mua ghe xuồng,...

Tháng 7 năm đó, gia đình anh đón những vị khách đầu tiên, nay bình quân 50-70 vị khách ghé thăm mỗi ngày. Đông nhất là đoàn khách 200 người của một công ty dược. Tính đến tháng 10/2014, đã có 4.000-5.000 khách đến với cơ sở du lịch này. Ngày đông khách quá, anh phải gọi thêm 7-8 anh chị em đến phụ giúp, rồi bao tiêu sản phẩm mà bà con láng giềng đánh bắt, nuôi trồng được.

{keywords}
Ngôi nhà cộng đồng đón tiếp du khách nằm giữa bốn bề sông nước

{keywords}
Các món ăn dân dã anh chuẩn bị đãi khách, được mua từ các hộ dân xung quanh

Sau hơn một năm triển khai mô hình, gia đình anh đã lãi hơn 300 triệu đồng, nguồn thu gấp 10 lần làm nông và góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ dân khác.

Có tiền, anh mua thêm 5 chiếc tàu vỏ lãi, cất thêm nhà cộng đồng bằng gỗ đước và lợp lá dừa. Nếu ở lại, khách sẽ trải chiếu ngủ dưới sàn nhà. Tuy nhiên, anh Nhuần cho hay, lượng khách đến rồi nghỉ qua đêm còn ít do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, hơn nữa thủ tục xin phép còn khó khăn.

Người góp phần giữ hồn bản

Ngược lên phía Bắc, có một mô hình du lịch cộng đồng khác với cái tên Mai Châu Family Homestay mà khách Tây rất mê. Ông chủ của mô hình này, Phạm Thanh Bình, vốn là dân văn chính hiệu, gầy gò, bé nhỏ, nhút nhát không ai nghĩ lại chuyển sang làm du lịch, dẫn những vị khách Tây to cao đi phượt.

Từ 2-4 ngày, hành trình của đoàn thường là tham quan bản làng, lội suối, leo thác rồi cưỡi con Simson lên cao nguyên Mộc Châu, xuyên Vườn quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông - Thanh Hóa, ngược thuyền sông Mã,... để trải nghiệm thiên nhiên, cuộc sống, văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái trắng, ở vùng đất Mai Châu xinh đẹp. Đi đến đâu, khách cũng trầm trồ thích thú vì những trải nghiệm thú vị.

Bình kể, cách đây 5 năm, khoảng những năm 2009-2011, nhờ có bố mẹ nuôi ở bản Lọng (Mai Châu - Hòa Bình) khi dẫn khách du lịch nước ngoài tới đây, thấy khách rất mê tắm suối, ngủ bản, leo thác,... ý tưởng làm du lịch cộng đồng đã manh nha.

{keywords}
Một ngôi nhà nơi bản Lọng mà khách Tây rất thích

{keywords}
Ông chủ kiêm HDV Phạm Thanh Bình (ngoài cùng, bên phải) chụp ảnh kỷ niệm với khách trong một lần dẫn đoàn đi phượt

Sau khi đưa bạn bè, đối tác, nhà đầu tư lên khảo sát, thiết kế sản phẩm, Bình và người dân ở bản đã thống nhất đầu tư, hoàn thiện khuôn viên nhà sàn, chuẩn bị đón khách. Đến nay, tại bản đã có 4 nhà sàn đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được 30 khách một lúc. Đều đều ngày nào cũng có khách. Cao điểm nhất là tháng 10, đón khoảng 40 khách châu Âu, Bắc Mỹ. Có đoàn, Bình trực tiếp làm hướng dẫn viên, cưỡi xe máy cùng khách đi khắp các bản làng khám phá Tây Bắc.

Ở Mai Châu, từ lâu bản Lác đã nổi tiếng với mô hình du lịch cộng đồng, nhưng giờ ít nhiều đã bị thương mại hóa, thì bản Lọng vẫn đậm nét văn hóa của dân tộc Thái trắng. Nếu đến bản Lọng, sẽ đi vào sâu hơn khoảng 2km. Bản có 120 hộ dân, nằm ở vùng thắt đáy thung lũng Mai Châu, dọc theo con suối Xia - mỏ nước suối đá từ Mai Châu chảy về, có mỏ nước ấm với 2 thác nước, nhiều nhà sàn 30-40 tuổi. Tới đây, khách có thể cưỡi trâu, làm việc đồng áng với dân bản, đi xe đạp, tắm thác... Bình thu mỗi khách chỉ 20 USD/đêm bao gồm ăn cả ba bữa, giao lưu văn nghệ tối.

Với bà con trong bản, Bình chia đôi lợi nhuận. Tiền thu về Bình chi ra hợp lý, phân bổ cho cả bản, đồng thời tạo việc làm cho mọi thành viên để cả gia đình gắn bó với nghề, như vợ biểu diễn đội văn nghệ, chồng làm xe ôm...

Đến nay, sau khoảng 5 năm đi vào hoạt động, Bình đã có nguồn thu khá ổn định từ mô hình du lịch này. Giờ, cứ cuối tuần, Bình lại về Hà Nội - nơi đặt văn phòng và có tổ ấm của cậu, để rồi khi có khách, lại tất bật đưa đoàn lên bản. Đi nhiều, giờ Bình đen nhẻm, già dặn, từng trải. Cậu đang ấp ủ ý định mới về một khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái nơi bản dân tộc này.

{keywords}
Các vị khách thư giãn khi ngồi trên thuyền ngược dòng sông Mã

Không quá vội vàng

Với tiềm năng về cảnh quan, giá trị lịch sử, văn hóa, các mô hình du lịch cộng đồng như trên còn lẽ ra có thể thu hút khách du lịch hơn. Tuy nhiên, ông Trần Xuân Trường, Trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở VH-TT&DL Cà Mau, thừa nhận, tỉnh mới đón khoảng 1 triệu khách/năm.

Bởi, ông Trường cho hay, phải mất tới 53km chạy ca nô từ Năm Căn ra Đất Mũi. Một km ngốn 1,8 lít dầu, một tàu mã lực 115 CV chở 10 người, khi đó, hết khoảng 2,4-2,6 triệu đồng. Chi phí đắt đỏ, đi lại khó khăn nên ngành du lịch tỉnh không dám quảng bá nhiều vì khách đông mà cơ sở phục vụ chưa cho phép, rất có thể dẫn đến tác dụng ngược.

Tuy nhiên, việc giá dầu đã giảm mạnh từ cuối năm 2014 và chiếc cầu cuối cùng trên quốc lộ 1 nối xuống tận cực Nam tổ quốc vừa khánh thành sẽ xóa cảnh đò ngang cách trở để du khách đến nhiều hơn với vùng đất mũi và trải nghiệm mô hình du lịch thú vị này.

Bình cũng vậy, cậu cho hay chỉ mở dần van để có thời gian hoàn thiện cơ sở hạ tầng mới phục vụ khách tốt. Hiện nguồn khách của Bình ở Hà Nội mới chỉ đón từ các khách sạn, công ty du lịch, chưa mở ra các kênh khác như quảng bá qua mạng. Bản Lọng đang hoàn thiện khuôn viên cơ sở chính, chuẩn hóa một số tiêu chí về ăn uống, chất lượng phòng nghỉ, nhà nghỉ nâng lên mức cao hơn.

Ngọc Hà