Minsk-22.jpg
Đón nhận chiếc Minsk-22

Chuẩn bị cơ sở

Ông Trần Văn Tiễu, nguyên Tổ trưởng tổ kỹ thuật, UBKH&KTNN kể lại: Sáng 20/7/1964, tôi được mời lên UBKH&KTNN để làm việc. Đón tôi là GS. Tạ Quang Bửu. Sau khi hỏi han về tình hình sức khoẻ, GS Bửu chỉ đạo: Đi khảo sát tình hình, trang bị tính toán, nhất là các yêu cầu tính toán của các cơ sở trên miền Bắc (Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn…).

Hầu hết các nơi như ngân hàng, khí tượng thủy văn… chúng tôi đều đến khảo sát tình hình, nắm rõ nhu cầu tính toán của các cơ sở và đã thảo được tờ trình xin thành lập Trung tâm tính toán (TTTT), việc này được GS. Bửu theo dõi rất sát. Trưa ngày 15/8/1964, đang nghỉ tại văn phòng, GS. Bửu bước vào yêu cầu tôi viết ngay bản công văn giải trình về máy tính điện tử sang Bộ Ngoại thương, nói rồi Giáo sư đứng đọc cho tôi ghi và dặn cho đánh máy ngay.

Sáng hôm sau, tôi đi cùng GS. Bửu sang làm việc với Bộ trưởng Bộ Ngoại thương. Tại buổi làm việc, tôi đã trình bày về máy tính điện tử…, ra về GS. Bửu vui vẻ nói "Thế là máy tính điện tử được ghi vào danh sách hàng nhập thiết bị toàn bộ".

Chiến tranh phá hoại ác liệt, cơ quan sơ tán, tổ máy tính cứ phải chạy ngược chạy xuôi, lo cơ sở vật chất. Trên Văn phòng Thủ tướng cũng hay gọi điện xuống hỏi kiểm tra về tiến độ công việc. Rồi đào tạo công nhân kỹ thuật, lấy thêm kỹ sư về để bổ sung khái niệm về kỹ thuật máy tính. Thời gian này GS. Bửu chuyển sang làm Bộ trưởng Bộ Đại học (việc trực tiếp chỉ đạo về máy tính điện tử được bàn giao lại cho đồng chí Lê Khắc - Phó Chủ nhiệm UBKH&KTNN). Tuy nhiên, GS. Bửu vẫn quan tâm theo sát tiến độ chuẩn bị cho việc tiếp nhận máy tính.  Ông bày tỏ ý muốn là: Ta sẽ làm chủ ngành máy tính, phải chế tạo được máy tính.

Được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo về máy tính điện tử nên những sinh hoạt của đồng chí Lê Khắc gắn liền với sinh hoạt của chi bộ toán - máy tính, một mặt ông muốn được gần với chi bộ, một mặt muốn biết cụ thể về máy tính điện tử.

Tiếp nhận

Chỉ thị kháng chiến lâu dài, đồng chí Lê Khắc một mặt xúc tiến xây hầm máy tính ở Hà Nội, mặt khác trực tiếp dẫn một đoàn đi tìm hang động ở Việt Bắc. Khi đó, tôi đang sơ tán ở Hiệp Hoà cũng nhận được giấy triệu tập về để theo đoàn.

Có lần lên tận hang Nhị Thanh rồi tới đường biên giới Việt - Trung (Lạng Sơn), lần khác qua Thái Nguyên lên hang Dơi trên đường đi Bắc Kạn. Đường trong rừng khó đi vô cùng nên đi tới đâu chúng tôi đều phải làm đường mới vào được hang. Nhân công khó kiếm nên tất cả anh em đều bắt tay vào làm mỗi người một việc, xẻ đá mở đường, đốn cây làm cầu… rồi điện nước, xăng dầu cũng được anh em lo toan đầy đủ. Phó chủ nhiệm Lê Khắc nói với chúng tôi: "Tất cả những kiện hàng của máy sẽ được chuyển về theo đường tàu hỏa. Tại biên giới Lạng Sơn, hàng về sẽ được chuyển thẳng vào hang để đảm  bảo an toàn cho máy, có lệnh lập tức chuyển hàng về Hà Nội. Nên những việc này, không chuẩn bị trước không được".

Ngày 22/6/1968, máy tính Minsk-22 về tới ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). Lệnh từ UBKH&KTNN là chuyển thẳng máy về Hà Nội. Hơn chục kiện hàng được anh em bốc xuống, đồ nghề không có nên tất cả đều được khuân vác bằng tay, kiện nào nhẹ không sao, kiện nặng phải hơn chục người hì hục khuân vác mới được (kiện nặng nhất cũng hơn 6 tạ). Thế nhưng, thách thức lớn nhất khi đưa máy về Hà Nội mà anh em chúng tôi gặp phải là khi vượt qua cầu tạm nhỏ (vì khi đó cầu Đáp Cầu đã bị bom đánh trúng làm sập cầu) trong đêm tối với địa hình hiểm trở. Để máy tính Minsk-22 có mặt tại trụ sở UBKH&KTNN (39 Trần Hưng Đạo) là cả một quá trình đầy gian nan và thử thách, ngoài việc vận chuyển khó khăn, việc các chuyên gia của Liên Xô sang để bàn giao máy cũng đã gặp phải những trở ngại.

Tháng 7/1968, đoàn chuyên gia máy tính của Liên Xô sang nước ta để bàn giao máy. Thời điểm đó quan hệ của hai nước Trung Quốc - Liên Xô đang rất căng thẳng, nên đoàn chuyên gia phải đi tàu thuỷ từ Viễn đông tới Hải Phòng (thay vì đi bằng tàu hỏa qua Trung Quốc rồi vào Việt Nam). Tôi cùng với một cán bộ Vụ hợp tác Quốc tế được cử đi đón đoàn.

Tòa nhà UBKH&KTNN là nhà phục vụ cho cơ quan hành chính, việc mất điện liên tục trong thời gian lắp đặt máy xảy ra thường xuyên, để bàn giao máy cần phải chạy thử trong vòng 24 giờ liên tục và cần có nguồn điện ổn định, vì thế Phó chủ nhiệm Lê Khắc đã phải xin Thủ tướng, UBND TP. Hà Nội, ngành điện lực, giao thông để có một đường cáp ngầm phục vụ cho máy tính. Nhờ thế, một đường điện ổn định đã được kéo về từ  một trạm biến áp gần đấy…

Máy Minsk-22 được lắp đặt xong, ai cũng vui mừng. Người đến thăm đầu tiên là GS. Bửu, rồi những ngày tiếp theo chúng tôi được hân hạnh đón tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đến thăm. Tôi là Tổ trưởng kỹ thuật nên có vinh dự được hướng dẫn các đồng chí lãnh đạo tham quan.

Ghi theo lời kể của ông Trần Văn Tiễu, nguyên Tổ trưởng Tổ kỹ thuật UBKH&KTNN

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 99 ra ngày 17/10/2008