Thành phố thông minh - xu hướng của tương lai

Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều quốc gia trên thế giới đang ưu tiên xây dựng và phát triển các thành phố thông minh (TPTM).

Tại Hàn Quốc, theo kế hoạch xây dựng TPTM Seoul, trong vòng 4 năm tới, khoảng 1,24 tỷ USD sẽ được đầu tư để biến Seoul thành một “thủ đô dữ liệu”. Với 50.000 thiết bị cảm biến internet vạn vật (IoT) lắp đặt trên toàn thành phố, chính quyền Seoul có thể thu thập các dữ liệu về môi trường đô thị, các dữ về dân số, lượng xe cộ trên đường…

Tại Nga, đất nước này dự kiến chi khoảng 540 triệu USD cho dự án số hóa trong khuôn khổ dự án TPTM, nhằm chuyển đổi và tự động hóa hoạt động tại các thành phố.

{keywords}
 

Theo một nghiên cứu khảo sát những mô hình TPTM tiêu biểu trong khu vực Đông Nam Á, việc xây dựng TPTM với các giải pháp kết nối qua di động, phòng chống tội phạm và dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp sẽ cứu sống khoảng 5.000 người mỗi năm khỏi các vụ tai nạn giao thông, hỏa hoạn, giết người. Các giải pháp giao thông và vận chuyển thông minh giúp tiết kiệm thời gian tương đương với giờ lao động của 8 triệu người trong khu vực.

Các dịch vụ y tế thông minh giúp giảm áp lực khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế, gián tiếp giúp nâng cao tuổi thọ, tăng thời gian sống khỏe mạnh của con người. Các giải pháp TPTM có thể loại bỏ khoảng 270.000kg khí thải nhà kính mỗi năm; tạo ra 1,5 triệu việc làm thông qua việc tạo ra nhiều hơn môi trường làm việc hiệu quả cho các doanh nghiệp và cơ quan tuyển dụng lao động. Xu hướng triển khai TPTM có thể giúp các thành phố trong khu vực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc…

Không bỏ lỡ “chuyến tàu 4.0”, các nhà cung cấp giải pháp và thiết bị hạ tầng mạng trong đó có các nhà cung cấp dịch vụ di động ở Việt Nam cũng dồn lực kiến tạo TPTM, một trong những đơn vị tiêu biểu phải kể đến Viettel với triết lý “công nghệ sinh ra là để phục vụ con người”.

Đưa công nghệ phục vụ con người

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại rất nhiều cơ hội cho sự phát triển nền kinh tế của đất nước, Viettel đã tận dụng thế mạnh về hạ tầng viễn thông rộng khắp, các nguồn lực sẵn có để “đi tắt đón đầu” công nghệ mới. 

Từ năm 2011, doanh nghiệp này đã có định hướng đưa ứng dụng CNTT - Viễn thông vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Đến năm 2013 - 2014, Viettel đã bắt đầu quá trình thực hiện dự án TPTM tại Việt Nam. Sau 2 năm, Viettel đã ký kết triển khai TPTM tại Đà Nẵng.

Năm 2018, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel được thành lập với sứ mệnh đồng hành cùng Chính phủ xây dựng thành công Chính phủ số, hợp tác cùng các doanh nghiệp và người dân để giải quyết các vấn đề của xã hội.

Với vai trò tiên phong nghiên cứu và ứng dụng triển khai mô hình đô thị thông minh tại Việt Nam, Viettel đã ký thỏa thuận hợp tác xây dựng TPTM với 24 tỉnh/thành trên cả nước.

Theo đại diện Viettel, doanh nghiệp “may đo” TPTM theo cách riêng, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. 9 nhóm sản phẩm mà Viettel lựa chọn đóng góp vào bức tranh tổng thể TPTM bao gồm: Nhóm sản phẩm Khung kiến trúc; Nhóm sản phẩm hạ tầng; Nhóm sản phẩm tương tác; Nhóm sản phẩm lĩnh vực Y tế thông minh; Nhóm sản phẩm Giáo dục thông minh; Nhóm sản phẩm Giao thông thông minh; Nhóm sản phẩm An toàn, bảo mật thông tin; Nhóm sản phẩm Quản lý thông tin báo chí và truyền thông; Nhóm sản phẩm Trung tâm Giám sát điều hành.

{keywords}
Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh Huế

Bên cạnh đó, để xây dựng thành công chính quyền điện tử và tạo nền móng xây dựng TPTM, Viettel xây dựng Trung tâm điều hành thông minh cho các địa phương. Đây là cơ quan đầu não, điều hành, giám sát các hoạt động đời sống xã hội, vận hành các ứng dụng cho TPTM.

Là sản phẩm đặc thù và chuyên biệt mà Viettel tự chế tạo, xây dựng, mô hình Trung tâm điều hành thông minh đã được Viettel thí điểm ở nhiều địa phương như Thừa Thiên - Huế, Phú Thọ, Thanh Hóa, giúp liên thông dữ liệu dân cư, hành chính công, giao thông, y tế, giáo dục… kết hợp với phân tích dữ liệu lớn. Riêng dự án Trung tâm điều hành thông minh tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt giải Dự án TPTM sáng tạo nhất châu Á trong khuôn khổ giải thưởng Telecom Asia Award 2019.  

Để sẵn sàng cho TPTM, Viettel tập trung vào việc phát triển nhanh hạ tầng số, xây dựng nền tảng công nghệ dùng chung; tập trung nghiên cứu, làm việc với các đối tác trong và ngoài nước được đánh giá cao về lĩnh vực TPTM. Doanh nghiệp tin tưởng, với việc bắt kịp “chuyến tàu 4.0”, người dân sẽ được hưởng thụ các tiện ích tốt nhất của đô thị thông minh.

Ngọc Hân