Cả nước và thế giới đã trải qua một năm đầy biến cố, do dịch bệnh Covid-19. Có những lúc, con người tưởng như đã rơi vào bế tắc, đến đường cùng trong cơn thắt ngặt của dịch. Một con virus xíu xiu đã ảnh hưởng đến rất nhiều mặt đời sống nhân loại. Covid-19 đã đặt con người vào thế bị động, mỗi quyết định đều lệ thuộc vào diễn biến lây lan của nCoV.
Bên cạnh nỗi lo, sợ, chính Covid cũng hướng con người đến những suy nghĩ tích cực hơn, như một lời nhắc nhở về lối sống chậm, trở lại làm chủ chính mình thay vì làm chủ những cái bên ngoài mà con người vẫn mải miết chạy đua. Cái chết của những người có đầy đủ những điều kiện mà nếu bình thường họ có thể “hô mưa gọi gió” khiến thế giới giật mình. Té ra, có những lúc con người dù ở vị trí nào vẫn bất lực.
Thực tế, việc làm chủ chính mình đã được các bậc hiền triết chỉ dạy từ ngàn xưa, ai chọn lối sống này đều có an lạc, hạnh phúc. Chỉ cần “thiểu dục tri túc” - ít muốn biết đủ - thì con người sẽ bớt đi rất nhiều phiền toái. Từ chuyện cân bằng các nhu cầu cuộc sống đến các mối quan hệ thân cận, mỗi người sẽ bớt lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, từ đó bớt khổ vì những sự lên xuống, vô thường của những đối tượng mà mình hướng đến, mong muốn sở hữu.
Một năm biến cố cũng dạy cho con người những bài học về giá trị gia đình luôn là nơi nương tựa bền vững. Trong cơn đau hay hấp hối, người thân thương chính là nơi để mỗi người hướng về với sự bình an, tin tưởng.
Và những người con đi xa, mong ước trở về vẫn là mong ước sâu xa nhất. Trong thời điểm dịch giã, “ngăn sông cách núi”, thì phía gia đình, quê hương vẫn là bến đỗ bình yên để người ta hướng về, tìm kiếm sự yểm trợ để vượt qua. Tất nhiên, trong ngôi nhà chung - là đất nước, thành phố, cộng đồng gần gũi mình đang sống - tình người vẫn là câu chuyện ấm lòng của một năm đau thương vừa rồi.
Chưa có khi nào mà những sự chung tay chia sẻ lại dậy lên một cách xuyên suốt như giữa mùa dịch. Có những người đã hi sinh mạng sống cho công việc thiện nguyện như Phật tử Cường “béo” - nhân vật truyền cảm hứng được bạn đọc báo VietNamNet bình chọn đã trở thành tấm gương sáng cho mỗi người cảm phục.
Tất nhiên, chính người nằm xuống cũng đã giúp thắp lên trong lòng người niềm tin về tính thiện trường tồn, rằng mỗi con người sinh ra đều có những thiên chức nào đó. Và sự tận hiến của họ đã không là âm thanh rơi vào thinh không mà vọng thành tiếng chuông tỉnh thức, nhắc nhở về sự trao đi luôn là giá trị được khắc ghi sâu sắc trong tấm bia cuộc đời. Họ không cần ai xây tượng đài bởi trong lòng nhiều người, họ đã hiện diện như một tượng đài, một biểu tượng sống lớn lao.
Trong dòng chảy của thời gian, mọi thứ sẽ được sắp xếp, được giải quyết. Với sự gia tâm của con người, tùy cách nhìn mà những nỗi khổ niềm đau sẽ được chuyển hóa nhanh hay chậm. Giữa thành phố đông dân nhất nước - TP.HCN - đã có rất nhiều nỗi đau, mất mát, nhưng cũng từ nơi này, lòng người hồi sinh cũng nhanh chóng, bởi tất cả đều hiểu, bước qua khó khăn, vượt qua niềm đau mới là cách thể hiện tình thương tốt nhất.
Vì vậy, không phải đợi tới năm mới những người ở đất phương Nam này mới dọn lòng đón năm mới mà ngay khi dịch tạm yên, thành phố mở cửa trở lại, thời khắc đó cũng là Tết với họ. Một lần nữa, hồi sinh là câu chuyện được nhắc đến thật nhiều trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần này, cũng như việc mọi người nhắc nhau gạc bỏ những nỗi lo lắng, sợ hãi để bước vào một năm mới mạnh mẽ như hổ, bình an như cánh mai trong nắng sớm…
Lưu Đình Long
Bài cúng mùng 1 Tết Nhâm Dần theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam
Bài cúng mồng 1 Tết Nguyên đán - Văn khấn mồng 1 Tết được VietNamNet tổng hợp theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam.
Ký ức giao thừa: Khoảnh khắc mong đợi nhất của những đứa trẻ
Trước giao thừa chừng 10 phút bao giờ bố mẹ tôi cũng đánh thức cả lũ dậy. Mặc dù đang ngủ dở bị đánh thức nhưng chẳng đứa nào ỉ ôi.