Nhân viên ngân hàng BIDV hướng dẫn cho người dân tham gia các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt. |
Theo đó, tại khu vực chợ, công viên, các ngân hàng thương mại tại địa phương thực hiện hướng dẫn, trải nghiệm các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân như: Thanh toán bằng mã QR, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, ví điện tử, thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán qua Internet...
Đồng thời, các doanh nghiệp viễn thông thực hiện giới thiệu, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng chữ ký số cá nhân trong các hoạt động giao dịch điện tử trên các hệ thống: cổng dịch vụ công, một cửa điện tử,… xác thực cá nhân trong các giao dịch chứng khoán, ngân hàng, chuẩn hóa thông tin các thuê bao điện thoại…
Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tăng cường kết nối giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán với cổng dịch vụ hành chính công của địa phương; hệ thống một cửa điện tử của các cơ quan, đơn vị nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thanh toán điện tử đối với các khoản phí, lệ phí, thanh toán hóa đơn điện tử.
Tại các điểm triển khai, các doanh nghiệp hỗ trợ wifi miễn phí để thuận tiện cho người dân khi tham gia. Ngoài ra, các đơn vị phối hợp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người dân cài đặt, đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID.
Ông Trần Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết: Chương trình nhằm nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong toàn xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tích hợp, kết nối, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống, các ngành, lĩnh vực, hình thành hệ sinh thái ngân hàng số nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp thanh toán thông minh, dịch vụ thanh toán đổi mới, sáng tạo, cung cấp dịch vụ đa tiện ích cho người dân.
Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện Đơn Dương, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm chi phí xã hội liên quan tới tiền mặt.
Thay đổi thói quen mua sắm của người dân từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt. Tạo môi trường thanh toán thuận tiện, an toàn để người dân trên địa bàn huyện được trải nghiệm những hình thức thanh toán hiện đại, tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Diễm Thương (Báo Lâm Đồng)