Ôm đất chờ thời
Sau Hoài Đức, Đông Anh thì Đan Phượng đang là cái tên hot trong giới đầu tư bất động sản. Khảo sát của một số sàn giao dịch bất động sản cho thấy, giới đầu tư đang để mắt tới phân khúc đất nền có vị trí đẹp với kỳ vọng mang lại lợi nhuận lớn trong thời gian tới. Trong đó, những vị trí dễ dàng kết nối với trung tâm Hà Nội nhờ giao thông phát triển thuận lợi đang là tâm điểm của thị trường.
Giới đầu tư cho hay, nguyên nhân dẫn đến sức hấp dẫn đất Đan Phượng đến từ hai thông tin là siêu dự án quy mô lên đến 50ha và huyện Đan Phượng được chuyển thành quận.
Trong đó, siêu dự án nằm trên địa giới hành chính của 4 xã là Liên Hà, Liên Trung, Tân Hội, Tân Lập. Do đó, đất tại những khu vực này là điểm nhắm đến của những nhà đầu tư. Cách đó không xa, một dự án lớn cũng có quy mô lên đến 200ha cũng đang trong quá trình chuẩn bị ra mắt.
Ăn theo siêu dự án, đất nền Đan Phượng rục rịch tăng. (Ảnh chụp màn hình) |
Còn Đan Phượng được định hướng trở thành quận với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, ăn theo siêu dự án, giá đất đã tăng mạnh. Đơn cử, đất dịch vụ ở Tân Hội đang được chào giá 55-57 triệu đồng/m2, trong khi trước đó khoảng 2 tháng, giá bán chỉ dao động từ 40-44 triệu đồng/m2. Như vậy, mức tăng giá đã đạt 30-40% chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng.
Đất thổ cư sát ngay siêu dự án thuộc Tân Hội giá tăng từ 40-42 triệu đồng/m2 lên mức 47-48 triệu đồng/m2. Đất trong các ngõ to, ô tô tránh nhau, giá cũng tăng từ 18-22 triệu đồng/m2 lên mức 20-25 triệu đồng/m2. Đất tại Liên Hà, Liên Trung trong ngõ 2 ô tô tránh nhau tăng từ 16-19 triệu đồng/m2 lên mức 18-22 triệu đồng/m2...
Tại thị trấn Phùng, những lô đất có vị trí đẹp, đắc địa mặt tiền đường lớn tại khu Gò Mèo tăng từ 65-67 triệu đồng/m2 cuối năm 2018 lên mức 70-72 triệu đồng/m2 thời điểm hiện tại. So với cùng kỳ năm ngoái, đất trong các ngõ rộng thị trấn Phùng cũng tăng từ 17-22 triệu đồng/m2 lên mức 20-25 triệu đồng/m2...
Đất thị trấn Phùng có ô tô đỗ cửa giá 19,5 triệu đồng/m2; lô đất cách chợ Phùng 200m có giá 16,5 triệu đồng/m2; lô đất cách chợ Phùng 200m có giá 16,5 triệu đồng/m2; đất tại xã Hồng Hà có giá khoảng 10 triệu đồng/m2.
Cảnh báo sốt ảo
Theo báo cáo của Savills, đến năm 2021, dự kiến có 10.900 căn tung ra thị trường. Huyện Đông Anh và Đan Phượng dự kiến chiếm 57% nguồn cung tương lai.
Huyện Đan Phượng đang thu hút nhiều chủ đầu tư lớn đổ về đây, xây dựng các dự án chung cư, khu đô thị hiện đại và đồng bộ. Điển hình như khu đô thị The Phoenix Garden với quy mô 45ha của Hải Phát hay mới đây là sự xuất hiện của Vingroup với khu đô thị Vinhomes Green City trên quy mô hơn 100ha. Sự xuất hiện của những “ông lớn” với những siêu đô thị khiến thị trường tập trung hơn vào huyện này, đẩy giá đất lên cao.
Quy hoạch |
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, việc nhà đầu tư ôm đất có thể khiến cho thị trường tăng giá ảo như Đông Anh, Hoài Đức. Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, thời gian qua báo chí nói nhiều đến chuyện "sốt đất" ở các khu vực này. Tuy nhiên, việc lên quận có lộ trình, thời gian cần rất nhiều để có thể lên được quận. Nhà đầu tư cần có cái nhìn thận trọng, nghiên cứu kỹ càng.
Năm 2011, khu vực này từng chứng kiến cơn sốt đất khi Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường trục Tây Thăng Long đoạn qua địa phận huyện Đan Phượng và huyện Phúc Thọ. Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang đặt nhiều kỳ vọng vào những đột biến mới về giao thông khi trục Tây Thăng Long được triển khai. Giá đất tại huyện Đan Phượng đã tăng gấp 2-3 lần so với một năm trước đó.
Thị trường thời điểm đó xuất hiện nhiều đội "lướt sóng" chuyên nghiệp. Sau khi tháo chạy khỏi Sóc Sơn, các nhóm này đã chuyển hướng về mua đất dọc trục Tây Thăng Long. Họ thường gom các mảnh đất thổ cư rộng có giá rẻ dưới 10 triệu đồng/m2. Tuy vậy, thị trường nhanh chóng hạ nhiệt sau đó ít lâu.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, các nhà đầu tư nên cẩn trọng với cơn sốt đất nền. Việc giá đất tại nhiều địa phương tăng mạnh, sốt giá ảo rõ ràng là do sự nhiễu loạn của giới đầu cơ, cò đất lướt sóng kiếm lời. Điều này là rất nguy hiểm với các nhà đầu tư và thị trường bất động sản.
Đại diện Kosy khuyến cáo, người mua và nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về các dự án và nhu cầu thị trường từ cơ quan nhà nước và các chuyên gia, tránh rơi vào “bẫy giá” của môi giới, cò đất”.
Duy Khánh