Một năm trước, thông điệp kiến tạo của Chính phủ nhiệm kỳ mới đã tạo ra một niềm cảm hứng tươi mới của truyền thông Việt Nam. Giờ đây, công cuộc kiến tạo ấy đang trở nên rõ nét hơn, thông qua những động thái dọn dẹp quyết liệt đến mức đôi khi còn gây sốc.
Hà Nội và một số thành phố khác hơn một tháng nay ra quân dọn dẹp lại vỉa hè. Về mặt hình thức, chuyện dọn dẹp vỉa hè chỉ đơn thuần là lập lại kỷ cương đô thị, trả hạ tầng đô thị về đúng chức năng của nó. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản chỉ là lợi ích của những người bán hàng rong, của những người dân kinh doanh mặt tiền. Vỉa hè còn là lợi ích vô cùng lớn của những thế lực bất chính ngay trong bộ máy công quyền.
Không khí quyết liệt dọn dẹp vỉa hè ở quận Đống Đa. Ảnh: VietnamNet |
Dọn dẹp vỉa hè không chỉ là dọn dẹp những vật thể chiếm dụng không gian, mà còn là dọn dẹp một thói quen, một tệ nạn đã ăn sâu trong tư duy của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, là chiếm dụng quyền lực công để mưu lợi cá nhân. Sự quyết liệt của lực lượng dọn dẹp vỉa hè đôi khi tạo ra những hình ảnh thái quá, lạnh lùng đến vô cảm. Song, đó là sự lạnh lùng, quyết liệt cần thiết. Bởi đó là sự khác biệt của lần dọn dẹp này so với hàng trăm cuộc ra quân đòi lại vỉa hè đã từng diễn ra, và thất bại.
Những cái búa dân phòng hôm nay không chỉ đập xuống những bậc thềm lấn chiếm không gian chung của cộng đồng. Đó là những đòn trừng phạt mạnh mẽ vào thói quen thỏa hiệp với tiêu cực tham nhũng của người dân khi sẵn sàng chi tiền hối lộ để chiếm dụng vỉa hè. Đó cũng là nhát búa đập vào những thứ quyền lực đen trong bộ máy công quyền khi những kẻ bán lậu vỉa hè không thể ra mặt để đảm bảo uy tín của mình trước người mua.
Đòi lại vỉa hè là một cuộc chiến không hề đơn giản, bởi đó là cuộc chiến một người ngoài ánh sáng và những kẻ trong bóng tối, giữa sự công chính của quyền lực nhà nước với một nền kinh tế ngầm, và những thế lực đen. Kẻ ở ngoài sáng sẽ luôn gặp bất lợi. Song, đó là việc không thể không làm. Bởi, muốn có một nền pháp trị ngay thẳng, muốn xây dựng một nền hành chính, công vụ minh bạch và rõ ràng, việc đầu tiên là cần có một hạ tầng ngay thẳng, nơi mà các thứ quyền lực ngầm không thể tồn tại.
Người dân trên khu phố cổ Hà Nội tự tay tháo gỡ mái che lấn chiếm không gian chung. Ảnh: ViẹtnamNet |
Vỉa hè, là bước đi đầu tiên của quá trình dọn dẹp để kiến tạo đất nước, bắt đầu từ đô thị, từ những con phố nhất đẳng phồn hoa. Mở rộng hạn điền là bước tiếp theo để dọn đi bờ vùng bờ thửa mở lối cho những cánh đồng tiến vào kỷ nguyên công nghiệp hóa, tạo ra niềm tin, cơ hội cho những doanh nhân dám đầu tư vào ruộng đồng. Dù vậy, đó vẫn chỉ là những hành động dọn dẹp dễ dàng nhìn thấy.
Bộ Nội vụ đang xúc tiến đề án sắp xếp lại các sở ngành địa phương theo hướng tinh giản bộ máy. Đó mới là một cuộc dọn dẹp gian nan. Thu gọn bộ máy, điều đó đồng nghĩa với việc dọn bớt rất nhiều chức vụ, rất nhiều chỗ ngồi cho những kẻ sáng cắp ô đi tối cắp về. Dù đề án mới chỉ đang trong quá trình dự thảo, nhưng những tiếng nói ngược dòng đã bắt đầu xuất hiện, và chắc chắn sẽ còn nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, bởi đó là quyền lực, là lợi ích của chính những người đang nắm giữ quyền lực trong bộ máy, Hành động dọn dẹp này mới thực là khó khăn, giống như tự cầm dao để cắt tay chân mình. Đau đớn, hẳn rồi, nhưng không thể vì đau đớn mà để mặc những bộ phận đó hoại tử hàng ngày.
Chính phủ kiến tạo là một khát vọng của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2020, nhưng cũng khà hi vọng của nhân dân đối với Chính phủ. Nhưng khát vọng ấy, ước mơ ấy sẽ không thể trở thành hiện thực nếu như không thể dọn dẹp được những vật cản tồn tại trên mặt bằng xã hội bao năm qua. Mọi nỗ lực kiến tạo chỉ có thể thành công trên một mặt bằng được dọn dẹp, dẫu quá trình dọn dẹp có thể tạo ra một khung cảnh hoang tàn như vỉa hè Hà Nội và các thành phố lớn khác thì vẫn tốt hơn rất nhiều so với một mặt bằng mà mạnh ai nấy chiếm.
Phạm Trung Tuyến