Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố đã thực hiện "các cuộc tấn công có mục tiêu và chính xác" vào nhiều địa điểm quân sự của Iran hôm 26/10. Theo hãng thông tấn IRNA, 4 binh sĩ Iran đã thiệt mạng.
Đợt không kích mới nhất của Israel vào Iran được đánh giá là không nguy hiểm như dự đoán của nhiều chuyên gia. Trước đó, giới chuyên gia cho rằng Israel có thể đã cân nhắc đến nỗ lực ám sát, hoặc tấn công địa điểm hạt nhân, hay cơ sở dầu mỏ của Iran để trả đũa việc Tehran phóng hàng trăm tên lửa đạn đạo vào Israel hôm 1/10.
Chia sẻ với Business Insider, ông Yaniv Voller tại Đại học Kent nhận định một cuộc tấn công quy mô lớn hơn từ phía Israel sẽ khiến Iran "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc leo thang" xung đột. Song theo ông, áp lực từ Mỹ có thể đã khiến Israel theo đuổi một chiến lược tấn công kiềm chế hơn.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 26/10, một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay Washington không tham gia vào việc lập kế hoạch, hoặc thực hiện hoạt động trả đũa của Israel vào Iran. Tuy nhiên, quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden và nhóm an ninh quốc gia Mỹ đã khuyến khích Israel "thực hiện một phản ứng có mục tiêu và tương xứng, nhưng gây rủi ro thấp cho dân thường".
Câu hỏi đặt ra là Iran sẽ đáp trả vụ không kích của Israel như thế nào. Hôm 27/10, Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cho rằng các quan chức Tehran nên quyết định cách đáp trả, song nhấn mạnh chúng "không nên bị phóng đại, hay hạ thấp".
Chia sẻ trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Iran cho hay quốc gia này "có quyền, và nghĩa vụ phải bảo vệ chống lại các hành vi xâm lược bên ngoài".
Song Iran dường như đã tìm cách hạ thấp tác động từ cuộc tấn công với tuyên bố đã chặn thành công hầu hết đòn không kích của Israel, và chỉ chịu "thiệt hại hạn chế".
Ông Jonathan Panikoff, Giám đốc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết đây có thể là dấu hiệu cho thấy Tehran "đang tìm kiếm một lối thoát”.
"Iran có thể thất vọng vì khả năng răn đe của họ đối với Israel đã suy yếu, nhưng họ dường như không liều lĩnh khôi phục khả năng đó", ông nói.
Nói với tờ New York Times, nhà nghiên cứu cấp cao Yoel Guzansky tại Viện Nghiên cứu an ninh quốc gia Israel ở Tel Aviv, cho rằng: "Những gì tôi nghe được từ Iran về cơ bản là ‘Chẳng có gì đâu'. Nhưng điều đó vẫn đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn mới, một giai đoạn nguy hiểm với nhiều điểm nhạy cảm hơn".
"Song hai bên vẫn có thể khép lại vòng lặp tấn công, khi đó chúng ta sẽ không thấy Iran trả đũa, hoặc nếu có thì cũng sẽ ở quy mô nhỏ", ông Guzansky nói thêm.
Còn theo ông Voller, nếu chọn trả đũa, Tehran có thể nhờ đến các lực lượng ủy nhiệm để bảo vệ chương trình hạt nhân quốc gia.
"Chúng ta phải nhớ rằng mục tiêu cuối cùng của Israel là chấm dứt chương trình hạt nhân của Iran, và bất kỳ hành động trả đũa nào của Iran cũng sẽ tạo cơ hội cho Israel tiếp tục theo đuổi mục tiêu này", ông Voller nói.
Cũng theo ông, Iran có thể sẽ không tiến hành phản công trực tiếp vì năng lực của Israel cho thấy họ “có thể tiếp cận các mục tiêu nhạy cảm của Iran".
Ông nói thêm, việc Israel nhắm mục tiêu vào những địa điểm quân sự của Iran bao gồm các hệ thống phòng không sẽ cho phép Israel tiến hành thêm các cuộc không kích, trong trường hợp Iran leo thang xung đột.
Tính theo GDP, Israel hiện là một trong những quốc gia chi tiêu quân phòng hàng đầu thế giới. Ngoài ra, nước này còn nhận được nguồn viện trợ quân sự quy mô lớn từ Mỹ để duy trì cái gọi là "lợi thế quân sự về chất lượng" so với các nước láng giềng.
Ông Panikoff cho rằng, những sự kiện gần đây có thể sẽ củng cố thêm nhận định của các nhà lãnh đạo Iran rằng nước này đang "bị áp đảo về mặt quân sự". Theo ông, Iran ưu tiên sự ổn định, nên việc tiến hành một cuộc chiến toàn diện trở thành “lựa chọn phi logic".
Trong khi đó, chia sẻ với tờ The Times, bà Ellie Geranmayeh, phó giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, cho hay không nên loại trừ khả năng Israel sẽ tấn công thêm vào Iran mà đặc biệt là sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.