Xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh từng là xã nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ. Tỷ lệ người dân tộc chiếm hơn 70%. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo gần 80%. Canh tác nông nghiệp lại manh mún, hạ tầng thấp kém, địa hình phức tạp. 

Xuất phát điểm khó khăn, Đồn Đạc phải triển khai hàng loạt các tiêu chí, chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết của người dân, sau hơn 12 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, địa phương đã mang một diện mạo mới. 

Đời sống người dân nâng lên từng ngày, hệ thống điện – đường – trường – trạm được đầu tư khang trang, hiện đại. Nhiều mô hình kinh tế mang lại giá trị cao, giúp nhân dân thoát nghèo…

W-20230609-114116-1.jpg
Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao, giúp người dân nâng cao về thu nhập. 

Việc quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế được chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ trọng tâm, phát triển kinh tế làm nhiệm vụ then chốt. Vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn được nâng cao làm nền tảng để toàn xã thi đua thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. 

Từ thực tiễn của địa phương, cùng sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện về nguồn lực kinh tế, Đảng ủy, UBND xã Đồn Đạc xác định việc huy động nguồn nội lực, đặc biệt là sự tham gia chung tay đóng góp từ người dân trong xây dựng nông thôn mới chính là động lực mang đến thành công. Hàng loạt các công trình đầu tư hạ tầng kinh tế thuộc nhóm tiêu chí bắt buộc phải triển khai lần lượt được hoá giải kịp thời. 

Thôn Nà Bắp là điển hình trong xây dựng nông thôn mới ở xã Đồn Đạc. Thôn có diện tích rộng, địa hình phức tạp nhất so với 13 thôn còn lại của xã. Trước khi bước vào xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng kinh tế của thôn gần như là con số 0, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo lên đến trên 90%. 

Ngay từ khi có chủ trương của huyện về đầu tư tuyến đường trục chính của thôn dài hơn 3km, xã xác định rõ những thách thức phía trước đó là nguồn vốn đầu tư chỉ đủ cho việc thuê thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng cát đá sỏi, xi măng. Nếu nguồn vốn này còn phải chi trả cho giải phóng mặt bằng thì chỉ có thể làm được 1/3 tuyến đường, tức là hơn 1km.

Vì vậy, xã phân công và gắn trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể, cán bộ phụ trách địa bàn thôn tuyên truyền vận động nhân dân tham gia hiến đất, hiến ruộng, hiến cây và tham gia ngày công lao động. Người dân đã nhận thức rõ công trình là phục vụ chính mình nên đã đồng thuận vào cuộc xây dựng tuyến đường này.

Thôn Nà Bắp ngày nay có những tuyến đường hoa dài, đẹp. Những ngôi nhà cao tầng xây mới, những khu ruộng lúa trĩu bông, những trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế và cả những cánh rừng gỗ lớn cùng các loại cây dược liệu ngút ngàn trải dài xanh ngắt đang nhiều lên mỗi ngày.

Tiêu chí thu nhập của người dân trên địa bàn xã đã đạt cao hơn so với các xã khác trên địa bàn. Theo ông Triệu A Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc, xã tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng cầm tay chỉ việc, nhất là khi triển khai các mô hình kinh tế thí điểm cho người dân phải chọn lựa kỹ càng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát... 

Tiêu biểu như gia đình ông Triệu Đức Sinh ở thôn Pắc Cáy. Từ khi được xã hỗ trợ vốn trồng mô hình cây dược liệu dưới tán rừng, gia đình ông đã mạnh dạn cải tạo lại hơn nửa héc ta đất rừng để trồng cây dược liệu cát sâm. Sau 2 năm, mỗi gốc cát sâm đã đạt 2kg. Với đà sinh trưởng này, khi thu hoạch mỗi gốc sẽ đạt từ 5 - 6kg. Như vậy, tính theo giá thị trường như hiện nay là 180.000 đồng/kg, gia đình ông Sinh dự kiến sẽ thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nhờ sự đoàn kết trên dưới một lòng của chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Đồn Đạc đã có bước tiến dài. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn ngày một hoàn thiện. 

Hiện, 100% các tuyến đường vào thôn được bê tông hoá hay nhựa hoá; 14/14 thôn có nhà văn hóa đảm bảo điều kiện hoạt động thuận lợi cho nhân dân tổ chức hội họp, sinh hoạt, triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, vui chơi, giải trí, phục vụ cho trẻ em vào các dịp hè. 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; số người dân trên địa bàn xã đã tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, trong đó số người có thẻ bảo hiểm y tế đã đạt trên 99,27%. 

Y tế xã đã đạt chuẩn quốc gia từ năm 2018. Tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 70,02% so với tổng dân số. 100% thôn trong toàn xã được phủ sóng điện thoại di động của các mạng và truy cập được Internet. Đến nay, tổng thu bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm 2022. Tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 còn dưới 1,5%.

Đặc biệt, để có được những thành tựu này, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng. Chính quyền, đoàn thể và các phòng ban chuyên môn luôn đẩy mạnh, đổi mới các hình thức tuyên truyền, lồng ghép nội dung xây dựng nông thôn mới trong các chương trình văn nghệ, sinh hoạt thôn, xã, các sự kiện quan trọng của địa phương… Hình thức tuyên truyền đa dạng từ phát tờ rơi, panô, áp phích, sân khấu hóa…

Xã cũng chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra xuống địa bàn định kỳ, qua đó rút kinh nghiệm thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, báo cáo cấp trên.

Với những kết quả đã đạt được, xã Đồn Đạc tiếp tục phấn đấu, đặt mục tiêu đạt nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025.

Thục Anh, và nhóm PV, BTV