Phiêng Pằn là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào các dân tộc Mông, Xinh Mun, Dao, Thái, Mường. Do phong tục tập quán của mỗi dân tộc khác nhau, cuộc sống hàng ngày của đồng bào vẫn còn những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp. Điển hình như tập tục mai táng của người Mông hay việc thách cưới, nuôi nhốt trâu bò dưới gầm sàn của người Xinh Mun, Thái.

{keywords}
Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đóng vai trò tích cực trong việc thực hiện các mô hình giúp dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. 

Với trách nhiệm của lực lượng bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự vùng biên, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã không ngừng tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. Nhờ đó, đời sống của người dân vùng biên đã có những chuyển biến tích cực.

Đồng bào người Xinh Mun và Thái, do thường ở trong các ngôi nhà sàn bằng gỗ, bà con đã tận dụng khoảng không phía dưới gầm làm nơi nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Điều này đã dẫn đến vấn đề vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Ông Vì Văn Hiên, Phó Trưởng bản Phiêng Khàng, xã Phiêng Pằn cho biết, thời gian qua, bản đã phối hợp cùng lực lượng Biên phòng đóng quân trên địa bàn tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, không chăn nuôi trâu, bò dưới gầm sàn. Đến nay, phần lớn người dân trong bản đã thay đổi hoạt động chăn nuôi. Chuồng trại đã được làm riêng và cách xa nhà ở.

Hơn 2 năm trước, thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang cây ăn quả, Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đã giao cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện mô hình trồng cây chanh leo. Triển khai mô hình này, đơn vị đã phối hợp với người dân tại địa bàn đưa giống chanh leo vào trồng thử nghiệm trên 1 ha. Sau khi cây chanh leo bắt đầu phát triển tốt, đơn vị tiếp tục mở rộng trồng lên 3,5 ha.

Thượng úy Bùi Xuân Trang, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Phiêng Pằn cho biết, khí hậu và thổ nhưỡng của một số bản trên địa bàn rất phù hợp để trồng chanh leo. Vì thế, người dân trong vùng có nhiều điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình này. Hiện nay, mô hình trồng chanh leo của đơn vị đã đạt được những kết quả khả quan ban đầu. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha cho thu nhập trung bình từ 80 đến 100 triệu đồng.

Nhận thấy mô hình trồng chanh leo của Đồn Biên phòng Phiêng Pằn mang lại hiệu quả cao hơn so với cây ngô, cây mía. Nhiều người dân trong vùng đã đến đơn vị tìm hiểu, học hỏi. Chị Vì Thị Hoa, bản Phiêng Khàng, xã Phiêng Pằn chia sẻ, trước đây, bà con trong bản chủ yếu trồng ngô nhưng thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Từ khi Đồn Biên phòng Phiêng Pằn triển khai mô hình trồng chanh leo trên đất dốc, chị đã rất quan tâm tìm hiểu. Thấy loại cây này phù hợp với điều kiện ở bản và mang lại hiệu quả kinh tế cao, gia đình chị quyết định sẽ thay thế ngô và trồng thêm 1 ha chanh leo. 

Cùng với việc trồng thí điểm chanh leo, Đồn Biên phòng Phiêng Pằn còn kết hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp tuyên truyền, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc; đồng thời, tìm các đầu mối để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Hiện nay, địa phương đã có 3 hộ trồng 2 ha chanh leo, cây phát triển tốt và bắt đầu cho thu nhập.

Hiện nay, Đồn Biên phòng Phiên Pằn còn thực hiện hiệu quả nhiều mô hình khác, như mô hình “Cắt tóc, sửa xe máy miễn phí” vào chiều thứ Tư hàng tuần cho người dân vùng biên. Từ khi triển khai đến nay, hơn 900 lượt người đã được cắt tóc và trên 200 lượt xe máy được sửa chữa.

Đánh giá về vai trò của Đồn Biên phòng Phiêng Pằn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phiêng Pằn Lù A Dủa cho biết, Đồn Biên phòng Phiêng Pằn đã chú trọng việc thực hiện các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa gắn với tuyên truyền, vận động bà con tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Thông qua những việc làm thiết thực, lực lượng Biên phòng đã giúp nhân dân trên địa bàn xã từng bước phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Qua đó, xây dựng tình cảm tốt đẹp, gắn bó giữa đơn vị với nhân dân trên địa bàn.

Thượng tá Phạm Văn Toan, Đồn trưởng Đồn biên phòng Phiêng Pằn cho biết, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế hộ gia đình.  Đồn trực tiếp cử cán bộ, đảng viên xuống sinh hoạt tại các chi bộ bản và phụ trách, giúp đỡ các hộ nghèo. Từ đó, tạo ra sự đoàn kết giúp đỡ nhau góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân vùng biên. Cùng với đó,  Đồn tiếp tục duy trì, thực hiện các chương trình "Nâng bước em đến trường", "Tay kéo Biên phòng”, "Hũ gạo tình thương" giúp người dân và các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Th. Hân