Anh Hồ Văn Chiến, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ka Túp, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) là một trong các trường hợp được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội 100 triệu đồng. Có vốn, anh đầu tư trồng 2ha rừng cây tràm và mua bò giống về nuôi. Năm 2024, mô hình phát huy hiệu quả, đời sống gia đình khấm khá hơn.
Tại huyện Hướng Hoá, số dư nợ cho người dân tộc thiểu số vay vốn tín dụng chính sách đạt hơn 775 tỷ đồng với hơn 11.800 hộ vay. Trên toàn tỉnh, các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hơn 20.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn để sản xuất, tạo thu nhập, thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Từ đó, người dân nghèo, đồng bào dân tộc được nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh và quản lý vốn.
Tại thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh, nhờ có vốn vay chính sách 400 triệu đồng, tổ hợp tác chăn nuôi gà tại địa phương với 5 thành viên đã mở rộng hai khu chuồng trại, nuôi 25.000 con gà. Sau năm đầu tiên hoạt động, nguồn lãi mang lại sau khi trừ các chi phí cho tổ hợp tác là 200 triệu đồng.
Không chỉ tăng thu nhập, mô hình còn giải quyết việc làm cho 12 lao động. Tương tự, nhờ được hỗ trợ vay vốn, 11 thành viên cùng nhau triển khai mô hình trồng cam hữu cơ của Hợp tác xã cây ăn quả Bến Quan, có diện tích 8ha. Mô hình tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập ổn định.
Nhờ được hỗ trợ vay vốn, nhiều mô hình sinh kế đã được triển khai và dần phát huy hiệu quả, không chỉ tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho các hộ nghèo thành viên, mà còn đóng góp nhiều vào quá trình giảm nghèo đa chiều, bền vững của từng gia đình, của địa phương, ngăn khả năng tái nghèo.
Anh Phạm Ngọc Hưng ở thôn Diên Khánh, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng được vay vốn 90 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm để mở rộng cơ sở sản xuất nước tinh khiết. Công việc phát triển tốt, cơ sở của anh Hưng còn giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho 5 lao động địa phương.
Nhờ có nguồn vốn chính sách làm “đòn bẩy”, nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Gio Linh đã có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Tại thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, ai cũng biết hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Hoàng Thị Tiên (48 tuổi). Vợ chồng chị có 5 người con nheo nhóc do sinh gần nhau. Chị Tiên cùng chồng dù đã phải làm việc vất vả nhưng cái nghèo vẫn đeo bám.
Cơ hội thoát nghèo, dần đổi đời đến với anh chị khi họ biết đến các chương trình tín dụng chính sách dành cho người nghèo. Chị Tiên đã tiếp cận được các gói vay hộ nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; gói giải quyết việc làm... Có nguồn vốn ưu đãi, chị có thêm điều kiện trang trải việc học cho con; mua thêm vật nuôi, sắm công cụ để phát triển kinh tế.
Không chỉ thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi, các con của chị được đến trường đầy đủ; gia đình dần tự đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản khác như nhà ở, y tế, nước sạch và vệ sinh... Mới đây, chị mạnh dạn nhập thêm 100 con gà về nuôi lấy trứng, lấy thịt. Mua được giống gà khoẻ, chị nuôi hi vọng sẽ được xuất bán với giá cao, tăng thêm thu nhập.
Cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân nghèo ở Gio Linh và nhiều địa phương ở Quảng Trị, sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án can thiệp khác; sự đồng hành, động viên, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức, cộng đồng xã hội rất quan trọng trên hành trình giảm nghèo của mỗi hộ gia đình. Hành trình đó cũng không thể thiếu nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo. Chính sách này đã kịp thời trợ lực cho họ làm chủ kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.
Thời gian qua, tại Gio Linh, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 10.120 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, gần 2.515 lao động có việc làm ổn định; 53 lao động đi xuất khẩu lao động ngoài nước; gần 736 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, 405 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, 89 căn nhà ở xã hội...
Hiệu quả của nguồn vốn chính sách dành cho hộ nghèo, chính sách, đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo tại Gio Linh, làm đổi thay cuộc sống của các hộ nghèo, đối tượng chính sách nơi đây. Tới hết nửa đầu năm 2024, tỷ lệ này còn 5,3% (giảm 1,3% so với cuối năm 2023). Tính đến 30/6, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt trên 651 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,3% với 247 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 17 xã, 97 thôn.