Sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị
Sáng 25/5, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị Công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2021 (SIPAS 2021) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 (PAR INDEX) của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả xếp hạng, tỉnh Lai Châu xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính tăng cao hơn năm 2020. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh Lai Châu năm 2021 tăng 7 bậc so với năm 2020, từ vị trí 38 lên vị trí thứ 31 (điểm năm 2020 đạt 83,72; năm 2021 đạt 86,69; tăng 2,87 điểm).
Cũng theo công bố tại Hội nghị, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2021 của tỉnh Lai Châu tăng so với năm 2020. Cụ thể, năm 2020 chỉ số SIPAS của tỉnh đạt 84,34%, năm 2021 đạt 86,81%, tăng 2,47%. Tỉnh Lai Châu xếp ở vị trí 37 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trước đó, tại Lễ Công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2021 (PAPI 2021), tỉnh Lai Châu nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước, đạt 42.336 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành phố và tăng 25 bậc so với năm 2020 (năm 2020 đạt 40.860 điểm, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành phố).
Trong đó, các chỉ số thành phần: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở 4.87 điểm; công khai, minh bạch 5.04 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân 4,28 điểm; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công 6.3 điểm; thủ tục hành chính công 7,36 điểm; cung ứng dịch vụ công 7,61 điểm; quản trị môi trường 4.01 điểm; quản trị điện tử 2,86 điểm.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương, giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân tốt hơn. Năm 2021, trong 8 chỉ số thành phần, Lai Châu có 2 chỉ số được xếp vào nhóm cao nhất là thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
Những kết quả này là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng và quyết tâm của các ban, ngành tỉnh Lai Châu trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hướng đến phát triển chính quyền điện tử, thúc đẩy kinh tế số...
Chú trọng công tác cải cách hành chính
Bên cạnh công tác phát triển kinh tế, xã hội, phục hồi các hoạt động giao thương sau đại dịch Covid-19… tỉnh Lai Châu đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách hành chính.
Những năm qua, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, cụ thể như thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện công tác nâng cao chỉ số PCI của tỉnh; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để phát huy vai trò cầu nối giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp.
Tỉnh chú trọng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư. Nhờ vậy, công tác thu hút đầu tư và đầu tư trên địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh năm 2022 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, quan trọng phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp.
Tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Quý I/2022, tỷ lệ trả trước và đúng hạn toàn tỉnh đạt trên 99,87%.
Ba tháng đầu năm 2022, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành 04 văn bản chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính. UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh giai đoạn 2021 - 2030. Công tác xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được nâng cao. Công tác cải cách tổ chức bộ máy tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền phương án sắp xếp, kiện toàn theo hướng giảm bớt đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, tỉnh tiếp tục chỉ đạo tăng cường đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp dưới.
Cùng với đó, tỉnh Lai Châu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Gần đây nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chương trình chuyển đổi số tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Chương trình đặt mục tiêu từng bước chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, tài nguyên và môi trường, giáo dục nghề nghiệp, năng lượng, công nghiệp.
Song song với chuyển đổi số, tỉnh tiếp tục tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đây là đòn bẩy quan trọng để Lai Châu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và phát triển các lĩnh vực về công - nông nghiệp, đô thị, du lịch, nguồn nhân lực và các lĩnh vực quan trọng khác.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tăng tốc triển khai chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, góp phần nâng cao thứ hạng chuyển đổi số của Lai Châu trên cả nước.
Đến nay, Cổng Dịch vụ công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử tỉnh Lai Châu cung cấp 2.092 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, mức độ 3 là 426, mức độ 4 là 510 với tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết là 7.432 hồ sơ; 26% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, đạt 87% kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025. Tại tỉnh Lai Châu, 99% văn bản không mật được gửi và nhận trên hệ thống quản lý văn bản, có ký số đúng quy định.
Lai Châu đã vận hành hiệu quả nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp tỉnh, kết nối đồng bộ với nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu dùng chung cấp quốc gia. Đồng thời, tỉnh đã liên thông các cơ sở dữ liệu bao gồm: dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm, tư pháp... để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 90% hộ gia đình, 100% xã trên địa bàn tỉnh; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G...
Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh đã được vận hành và từng bước hình thành cơ sở dữ liệu ngành, các hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu khai thác dữ liệu và cung cấp dịch vụ công.
Tỉnh quán triệt các cấp, ngành phải vào cuộc và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải quyết tâm cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
Với sự nỗ lực không ngừng, Lai Châu hiện đứng top 5 tỉnh có tỷ lệ tích hợp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cao nhất trong cả nước.
Quỳnh Nga