Theo đuổi tình yêu bất chấp rào cản gia đình
Năm 18 tuổi, ông Đính rời quê Hà Tây (nay là Hà Nội) vào TP. HCM tham gia cách mạng. Nhưng chỉ 3 năm sau đó, ông phải xuất ngũ vì điều kiện sức khoẻ không đáp ứng. Sau khi vất vả luân chuyển nhiều công việc từ đi tàu đến làm thợ hồ, ông mới có cơ duyên gặp gỡ bà Kim Anh.
Lúc bấy giờ bà Anh bán bánh bột lọc trên cầu Muối. Thấy cô nàng tính tình vui vẻ hiền hậu, ông Đính ấn tượng và tìm cách tán tỉnh.
Chia sẻ về chồng, bà Kim Anh cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ có thương hại ông Đính do thấy tội nghiệp, cô thân độc mã, bệnh đau không ai lo. Nhưng rồi nghĩ lại bản thân cũng lớn tuổi nên làm liều ưng luôn. Dần dần tôi thương ông Đính hồi nào không hay”.
Ban đầu, chuyện tình của hai ông bà bị ngăn cấm bởi gia đình nhà gái. Nhưng nhờ sự chân thành, ông Đính đã thuyết phục được cha vợ tương lai khó tính để kết hôn với bà Kim Anh. Vì gia cảnh khó khăn, ông Đính và bà Kim Anh không có điều kiện tổ chức đám cưới nên chỉ có thể nhân ngày đám giỗ để làm lễ ra mắt họ hàng.
“Đám cưới không có tiền mua nổi đôi bông tai, phải vay mượn vì trong túi không có nổi mấy ngàn”, bà Kim Anh bồi hồi nhớ lại.
Cơ cực, bế tắc bao trùm cuộc sống
Đến với nhau trong hoàn cảnh thiếu thốn, vợ chồng ông Đính - bà Anh phải ngủ bụi dưới chân cầu Muối. “Nằm dưới chân cầu, chịu đủ nắng mưa, nhiều khi người khác tiểu tiện nước chảy xuống đầu mình”, bà chua chát nhớ lại. Đi bán vé số mưu sinh, hai ông bà lay lắt sống qua ngày. Có được chút tiền ông bà cũng chỉ để thuê căn nhà nhỏ trú nắng, trú mưa.
Cuộc sống quá đỗi khó khăn, bà Anh từng giấu chồng đi bán máu, bán tuỷ, đi vay để làm ăn mà mãi không thoát khỏi cảnh nghèo túng. Đau đớn hơn, kết hôn 27 năm ông bà vẫn không thể có một đứa con để ẵm bồng.
“Lúc còn con gái, tôi bị rong kinh nặng mà không có tiền chữa trị. Sau này có chồng nên đi khám, bác sĩ bảo tôi vô sinh. Mà giờ cuộc sống khổ quá nên cũng không dám nghĩ tới con cái”, bà Kim Anh nghẹn ngào.
Tưởng đâu đó là giới hạn của cái khổ nhưng rồi bà Anh lại phát hiện bị bệnh thiếu máu tim, phải nhập viện. Ông Đính rưng rưng: “Đêm nào tôi cũng thức, cũng khóc nghĩ về hoàn cảnh. Vợ thì quằn quại đau đớn, tôi lại không thể giúp gì được cho bà ấy. Nhìn bà ôm ngực khóc, mình chỉ có thể ôm bà khóc theo chứ chẳng làm gì được vì nghèo quá. Bệnh tật đeo người, cơm không có mà ăn, chỉ đợi chờ ở mạnh thường quân phát cho 1-2 hộp cơm từ thiện. Có thì ăn, không thì chịu đói”.
Không may bản thân ông Đính cũng mắc phải bệnh tim kèm huyết áp cao nên chẳng thể đi làm như trước. Ông kể nhiều khi đang đi bán vé số, ông chóng mặt và ngồi gục xuống bên đường, đợi cơn đau qua đi rồi đứng dậy tiếp tục cuộc sống mưu sinh.
Quá xót thương cho hai mảnh đời bất hạnh, MC Ngọc Lan của chương trình Tình trăm năm rơi nước mắt, không nói nên lời. MC Quyền Linh cảm thán: “Cuộc đời của anh chị chỉ có tình yêu thôi chứ không có gì xung quanh hết: không nhà cửa, không điều kiện, không cơ hội, không con cái. Bài toán này cũng không biết giải quyết làm sao”.
Hi vọng tìm lại người thân
Biệt tích 42 năm, ông Đính không liên lạc với gia đình vì sợ bản thân trở thành gánh nặng. Song, ở độ tuổi “gần đất xa trời”, ông chỉ ao ước một điều giản đơn. “Tôi ước được một lần về lại quê hương mà lại chẳng biết về gặp ai. Hơn nữa tôi cũng chẳng có tiền để về đó. Tôi muốn về để đốt cho ông bà, cha mẹ được cây nhang", ông Đính chia sẻ.
Cảm thông sâu sắc trước hoàn cảnh của cặp vợ chồng nghèo, Quyền Linh và Ngọc Lan cùng đề nghị hỗ trợ một năm tiền thuê nhà với lời hứa đến thăm nhà ông bà vào dịp không xa. MC hi vọng thông qua chương trình, ông Đính có thể gặp lại gia đình đã thất lạc và cuộc sống của ông bà sẽ vơi bớt nhọc nhằn nhờ sự sẻ chia từ cộng đồng.
Cuộc đời của ông Đính bà Anh có lẽ là tận cùng của kiếp khổ. Dù vậy ông bà vẫn luôn đồng hành cùng nhau mà chưa bao giờ dừng lại.
Tại “Tình trăm năm”, ông Đính hy vọng tìm lại người thân với những thông tin sau: - Ba: Phạm Văn Cừu, mẹ: Trần Thị Nhuận, anh cả: Phạm Văn Đĩnh, em gái thứ 3: Phạm Thị Thuần, em trai thứ tư: Phạm Văn Đán, em trai thứ năm: Phạm Văn Quản, em út: Phạm Thị Bang. - Địa chỉ gia đình theo trí nhớ của ông Đính: Xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) Thông tin liên hệ của vợ chồng ông Đính - bà Anh: - Địa chỉ hiện tại: 410/15 Nguyễn Văn Tạo, xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM - Số điện thoại: 0325.011.932 |