Xem video:
Cháo 1000 đồng
15h chiều, vợ chồng ông Lê Công Minh (68 tuổi, Quận 6, TP.HCM) cùng nhau bày chiếc bàn gỗ cũ ra trước hiên nhà để bán cháo.
Quán không để bảng giá nhưng ai ai cũng biết, một tô cháo trắng tại đây chỉ có giá 1000 đồng. Và mức giá này đã tồn tại suốt nhiều năm qua.
Ông Minh vốn không phải là dân kinh doanh. Trước khi trở thành chủ quán cháo đặc biệt này, ông mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc nặng nhọc ấy không đủ cho ông chi tiêu trong gia đình.
Sau khi vợ sinh đứa con thứ hai, ông quyết định nghỉ việc. Thấy xung quanh khu vực mình sinh sống có nhiều người lao động nghèo, ông bàn với vợ mở quán bán cháo kiếm sống.
Vợ chồng ông Minh nấu cháo trắng theo cách truyền thống. Để có một nồi cháo thơm ngon, ông bà chọn mua gạo tốt. Trước khi nấu, ông Minh ngâm gạo suốt 2 tiếng đồng hồ. Sau đó, ông đem gạo này nấu trong 2 giờ đồng hồ nữa rồi mới đem ra trước hiên nhà bày bán.
Trong quá trình nấu, ông Minh không cho thêm bất cứ thành phần, gia vị nào vào nồi cháo để đảm bảo tô cháo trắng có mùi thơm ngon đặc trưng của gạo. Mỗi ngày, vợ chồng ông Minh nấu khoảng 3,5kg gạo từ 13h chiều. Khoảng 15h cùng ngày, cháo thành phẩm.
Quán bán từ 15h chiều đến khoảng 20h đêm mỗi ngày. Tuy vậy, khoảng 19h, ông bà đã bán hết số cháo mới nấu. Ông kể: “Năm nay nữa là quán được 19 năm rồi. Hồi đó, khu tôi sống toàn người lao động nghèo nhưng bán cháo vẫn ế ẩm lắm”.
“Lúc đó, tôi chỉ bán 500 đồng/tô cháo trắng thôi. Bán như vậy để mọi người ai cũng được ăn no. Nếu lấy giá cao hơn, người lao động nghèo “khó ăn” lắm. Tôi từng đi làm cực khổ để làm ra đồng tiền nên nếu giúp mọi người tiết kiệm được đồng nào thì tôi luôn cố gắng làm hết sức”, ông nói thêm.
“Điểm bao no cho người nghèo”
Giá rất rẻ nhưng cháo trắng ông Minh và vợ nấu lại rất thơm ngon nên được người lao động nghèo nồng nhiệt đón nhận. Quán cháo nhỏ, nằm lọt thỏm trong hiên nhà chưa đầy 15m2 của ông Minh trở thành nơi chống đói của bà bán vé số, cậu bé đánh giày, chị ve chai…
Những năm gần đây, ngoài người lao động nghèo, sinh viên, học sinh, quán cháo của ông Minh còn phục vụ cả người giàu. Họ đến đây để thưởng thức tô cháo 1000 đồng, trải nghiệm cuộc sống bình dân giữa phố thị.
Dẫu vậy, ông Minh vẫn giữ giá và cùng vợ chế biến thêm nhiều món ăn kèm như: Kho quẹt, dưa mắm, củ cải muối, trứng vịt muối, tôm, tép rim… Tất cả các món ăn này cũng chỉ có giá từ 2000-10.000 đồng/phần.
Khi quán bắt đầu có khách, ông Minh bàn với vợ đặt tên quán là Về đây em để thay cho lời gọi mời thân thương, trìu mến xuất phát từ tấm lòng của ông đối với thực khách. Ông nói: “Khách đến đây chủ yếu là người nghèo, tầng lớp lao động phổ thông, sinh viên, học sinh…”.
“Tôi mời gọi họ thật lòng và cũng thật lòng muốn họ có được bữa no nên bán với giá 500 đồng/tô cháo. Năm 2012, tôi thấy vật giá leo thang, mệnh giá 500 đồng không mấy ai dùng nữa nên quyết định tăng giá lên 1000 đồng/tô. Đó cũng là lần tăng giá đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này”, ông nói thêm.
Ông Huỳnh Chí Kim (SN 1956, Quận 6, TP.HCM) đã ăn cháo do ông Minh nấu suốt 10 năm qua. Ông cho biết, quán cháo của vợ chồng ông Minh đã giúp cho rất nhiều người nghèo có bữa no.
“Bây giờ, chúng ta gần như không thể làm gì với 1000-2000 đồng. Thậm chí, nếu tờ tiền này có rơi ngoài đường, nhiều người cũng không thèm nhặt. Nhưng ở đây, 1000-2000 đồng lại có thể mua được một bữa ăn no. Chúng tôi vẫn gọi vui quán là điểm bao no cho người nghèo”, ông Kim nói.
Đó cũng là lý do 10 năm nay, ông Minh không thay đổi giá bán cháo dù vật giá thay đổi từng ngày.
Ông giải thích: “Tôi không phải thuê mặt bằng nên buôn bán vẫn có lời dù ít hơn người ta rất nhiều. Bây giờ, vật giá tăng cao, ai cũng khó khăn, đặc biệt là người lao động nghèo. Nếu tôi tăng giá, họ sẽ khó ăn hơn. Thôi thì mình lời ít lại, san sẻ với nhau mà sống”.
Bài, ảnh, clip: Hà Nguyễn