Khi màn nhung mở ra, người nghệ sĩ có thể sống hàng trăm phận đời. Nhưng khi màn nhung khép lại, họ chỉ còn lại những nỗi niềm, những trăn trở day dứt về nhân vật, về nghề, về đời

Hôm ấy, nghệ sĩ Ái Như sắm vai Út Trâm - người con gái chịu nhiều bất công trong vở Chuyện bây giờ mới kể. Dưới ánh đèn sân khấu, Ái Như đã sống một cuộc đời đớn đau: một cô giao liên trẻ lặn lội tìm gặp người yêu với đứa con còn đỏ hỏn trên tay nhưng bị anh ta bỏ rơi; khi hòa bình, cuộc hội ngộ bất ngờ khiến Út Trâm tê tái nhận ra sự lạnh lùng đến đáng sợ của người đàn ông mình chờ đợi. Út Trâm mặc áo bà ba trắng, nằm trên chiếc võng ngoài trời, cắt cổ tay tự tử. Một cái kết buồn. Những tiếng vỗ tay không ngớt vang lên.

Trống trải, cô đơn

Màn nhung hạ, khán giả lục tục ra về, riêng Ái Như ngồi lại sân khấu đến khi không còn một ai trên hàng ghế. “Nhìn anh em hậu đài dọn hết cảnh trí và những hàng ghế trống trơn, lặng như tờ, tôi bỗng thấy hụt hẫng. Mới đây thôi, còn tiếng vỗ tay và những tiếng khóc cười trên sân khấu. Không biết tối mai, tôi có còn được chứng kiến cảnh này nữa không?” - Ái Như tần ngần.

Có một nghệ sĩ sân khấu gạo cội từng nói rằng thời gian ngồi trong phòng hóa trang trước khi lên sân khấu là lúc nghệ sĩ thoải mái nhất. Khi rời bỏ những hào quang, phấn son để trở về với đời thực là lúc họ cô đơn nhất. Cảm giác không hẳn là buồn mà là chênh vênh, trống trải. Theo NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ rất nhạy cảm nên ai cũng có nỗi cô đơn xâm chiếm mỗi lần rời ánh đèn sân khấu sau những vai diễn mua vui cho thiên hạ. Sống càng lâu với nghề, càng yêu nghề thì sự trống trải, cô đơn càng nhiều. “Cô đơn vì không còn nhân vật, khán giả, ánh đèn sân khấu lung linh và vì không có ai bên cạnh mình. Tôi thường không thể chia sẻ cho bất cứ một người nào, mà luôn gặm nhấm nó” - NSƯT Thành Lộc nói.

{keywords}

Nghệ sĩ Ái Như thường ngồi thẫn thờ một mình trong khán phòng sân khấu sau mỗi suất diễn.

Nghệ sĩ Ái Như cho rằng nghệ thuật sân khấu luôn lung linh và huyền ảo. Khi ánh đèn bật sáng, diễn viên hóa trang bước lên sân khấu, nhân vật xuất hiện; khi ánh đèn tắt, họ bước xuống, tẩy trang ra về, nhân vật cũng mất theo. Diễn viên Hồng Ánh cũng bảo cái hay đồng thời cũng là “bi kịch” của sân khấu là “nhân vật được sinh ra trong đêm và… chết trong đêm”. “Với phim ảnh, chúng ta có thể lưu giữ lại nhân vật của mình. Nhưng một cuộc đời hỉ - nộ - ái - ố chỉ sống trên sàn diễn vỏn vẹn 3 giờ. Khi màn nhung khép lại cũng là lúc nhân vật đó không còn nữa” - Hồng Ánh nhìn nhận.

Đuối sức, mệt nhoài

Nghệ sĩ Thanh Thủy không ít lần bị choáng, xây xẩm mặt mày đến ngất xỉu sau những vai diễn gần như lấy đi toàn bộ sức lực của chị. Chẳng hạn vai Nguyễn Thị Anh trong vở Bí mật vườn Lệ Chi, người đàn bà có gương mặt sát thủ, lời nói nhọn như dao găm, ánh mắt lạnh như băng. “Vai diễn quá căng khiến tôi muốn ngất khi cảnh cuối vừa hạ màn. Tôi không thể diễn liên tiếp mấy đêm vì quá mệt” - Thanh Thủy kể.

Diễn viên Trung Dũng lúc sắm vai Hà Văn Tân trong vở Người điên trong ngôi nhà cổ cũng không thể về nhà liền vì chưa vai diễn nào anh khóc nhiều đến vậy. Khóc đến lả người, không còn sức để về nữa. Thực tế, nghệ sĩ nào rút ruột gan để diễn trên sân khấu cũng đuối sức và mệt nhoài khi hạ màn.

Giới nghệ sĩ sân khấu thường dùng từ “xả vai” để chỉ việc sau những giờ nhập vai, họ cần thoát ra khỏi nhân vật. “Diễn kịch mất rất nhiều tâm sức, toát cả mồ hôi, khản cả giọng. Không ít lần tôi rời sân khấu trong tình trạng không biết mình sẽ đi đâu về đâu trong đêm. Tôi thường đến quán rượu ngồi một mình nhiều giờ liền để thoát ra khỏi cảm xúc của nhân vật, trở lại với chính mình rồi mới về nhà” - NSƯT Thành Lộc tâm sự.

Với phim ảnh, diễn viên có thể cắt đoạn để diễn, riêng sân khấu thì người nghệ sĩ hầu như phải cháy hết mình trong 2-3 giờ diễn. “Đời nghệ sĩ, cười đó rồi khóc đó. Cười cho nhân vật nhưng khóc cho mình” - nghệ sĩ Cát Phượng chia sẻ. Một nghệ sĩ cải lương thở dài: “Sau những giờ phút làm vua chúa, công hầu, chủ tướng trên sân khấu, tôi giật mình khi thấy phận đời bé nhỏ, nghèo nàn, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm với bao vất vả, lo toan. Đời nghệ sĩ đôi khi rất bạc!”.

Bởi vậy, soạn giả Viễn Châu có 4 câu thơ trong bài ca cổ Kiếp cầm ca: “Khép cánh màn nhung danh vọng hết/Người về lòng rũ sạch sầu thương/Người vào cởi áo lau son phấn/Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”. Trong bài thơ Khóc, cười mà nghệ sĩ Hoài Linh từng viết sau cánh gà cũng có đoạn: “Bán cười cho thiên hạ/Mua tiếng khóc cho mình/Khóc cho kiếp nhân sinh/Cười trần gian bạc bẽo”.

Theo Nld