Ngày 18/9, tại thủ đô Vientiane, Lào đã diễn ra Đối thoại an ninh nguồn nước ASEAN - Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 2 với chủ đề “Đầu tư bền vững cho một Đông Nam Á được kết nối, có khả năng chống chịu và đảm bảo an ninh về nước”.
Thông qua Đối thoại giữa các quốc gia thành viên MRC, ASEAN và các đối tác đã trao đổi thông tin, chia sẻ những thực tiễn và kinh nghiệm tốt nhất, xác định các xu hướng, thách thức và cơ hội, đồng thời làm gia tăng các mối liên kết giữa các quốc gia Mê Công và các quốc gia thành viên ASEAN vì các lợi ích chung.
Phát biểu đề dẫn, bà Bounkham Vorachit, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Lào, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Lào, Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhiệm kỳ 2024, đã nêu sự cần thiết của các nỗ lực tăng cường chuẩn bị ứng phó và tăng khả năng chống chịu với thiên tai, đặc biệt trước các đợt lũ lụt gây thiệt hại nặng nề đã xảy ra trong thời gian gần đây trên lưu vực sông Mê Công. Để có thể khai thác được tiềm năng của lưu vực sông Mê Công và của ASEAN, các quốc gia cũng cần phải tăng cường tính kết nối trong khu vực.
“Một Mê Công kết nối sẽ đem đến nhiều cơ hội hơn cho các lĩnh vực thương mại, chia sẻ năng lượng, ứng phó với thiên tai và bảo vệ môi trường – đây đều là chìa khóa để đảm bảo an ninh nguồn nước về lâu dài”, Bộ trưởng Bounkham Vorachit gợi mở thảo luận.
Tại Đối thoại, các đại biểu đã ghi nhận những thách thức cấp bách mà ASEAN và khu vực sông Mekong đang phải đối mặt - gồm tác động của biến đổi khí hậu, các sự kiện liên quan đến thiên tai như lũ lụt, hạn hán và lở đất, những thay đổi do con người gây ra, tình trạng khan hiếm nước và các mối quan ngại về an ninh lương thực.
Những thách thức này đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp, vạch ra tầm nhìn chung nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước và phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Thu Linh, Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc tham gia các nỗ lực đảm bảo an ninh nguồn nước tại Đông Nam Á, nhấn mạnh về tầm quan trọng của sông Mê Công đối với phát triển kinh tế, sinh kế của các cộng đồng ven sông và với hệ sinh thái.
Bà Linh cũng chia sẻ các thách thức mà Việt Nam và khu vực đang phải đối mặt về suy thoái môi trường, sử dụng nước, các thiên tai có liên quan tới nguồn nước, điển hình với cơn bão Yagi gần đây đã gây thiệt hại rất lớn về con người và kinh tế của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực, cũng như các hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài tài Đồng bằng sông Cửu Long. Các thách thức này càng cho thấy nhu cầu ngày càng trở nên cấp bách trong việc phối hợp và đầu tư bền vững để tăng cường khả năng chống chịu của khu vực trước các thiên tai.
Đánh giá sự cao tương đồng giữa ASEAN và MRC về tầm nhìn chung và các nỗ lực phối hợp giữa hai tổ chức vùng trong công tác quản lý tài nguyên nước, bà Nguyễn Thị Thu Linh khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc hợp tác với các quốc gia thành viên của ASEAN và MRC để giải quyết các thách thức chung đối với tài nguyên nước trong khu vực, và đề xuất ba lĩnh vực trọng tâm cần được đầu tư bền vững để thúc đẩy quá trình này, bao gồm:
Tăng cường an ninh nguồn nước cho khu vực, thông qua sự phối hợp giữa các quốc gia ASEAN – Mê Công để thúc đẩy và phổ biến tầm quan trọng của an ninh nguồn nước trong việc đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường và sự ổn định an ninh trong khu vực. An ninh nguồn nước cần phải được xem xét từ tất cả các góc độ, bao gồm không gian và thời gian; từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn và kể cả theo thời gian thực; và ở tất cả các cấp từ cấp khu vực, cấp quốc gia, cấp địa phương cho tới các cấp cộng đồng. Cần thiết phải xây dựng các Hướng dẫn để đánh giá an ninh nguồn nước và đưa ra các hoạt động cấp thiết để đảm bảo an ninh nguồn nước tại tất cả các cấp độ khác nhau, cũng như ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các biện pháp “không hối tiếc” và các giải pháp thuận thiên trong quản lý tài nguyên nước.
Về quản lý thiên tai, hai tổ chức cần xây dựng các hoạt động cụ thể, tập trung vào các lĩnh vực quan trắc, dự báo và ứng phó với thiên tai; có các nỗ lực chung trong việc dự báo và ứng phó với thiên tai, cũng như tăng cường xây dựng khả năng chống chịu của cộng đồng.
Về hợp tác, thông qua đầu tư cho các dự án chung và tăng cường các khung thể chế cấp khu vực để có thể giải quyết tốt hơn các thách thức về nguồn nước cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với khu vực. Đồng thời, việc hợp tác với các đối tác khác ngoài khu vực cũng rất quan trọng để có thể đạt được các mục tiêu này.