Đồng bào dân tộc Khmer với trên 1 triệu người sống trong 9 tỉnh và thành phố Nam Bộ, tập trung nhất ở các tỉnh: Hậu Giang, Cửu Long, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng...

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer. 

Trong các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer, thì Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 14/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI, có thể xem là văn bản xuyên suốt. Việc thực hiện Chỉ thị được tổ chức sơ kết 2 lần (vào năm 1998 và 2002) và tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện vào năm 2006. 

Trên cơ sở sơ kết, tổng kết thực tiễn, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X đã có Thông báo số 67-TB/TW ngày 14/3/2007 tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 68- CT/TW; từ năm 2018, việc thực hiện Chỉ thị số số 68- CT/TW được tiếp tục triển khai theo Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018.

Chỉ thị số 68-CT/TW ra đời đã có sức lan tỏa, đi vào cuộc sống, làm thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, việc ban hành Thông báo số 67-TB/TW và các văn bản tiếp nối đã khẳng định Chỉ thị số 68-CT/TW vẫn còn nguyên giá trị để tiếp tục thực hiện; trong đó, cụ thể hóa nhiều nội dung bằng những văn bản mang tính pháp lý. Một số chương trình, dự án dành cho vùng đồng bào DTTS ra đời từ Chỉ thị số 68-CT/TW, trong đó có một số chính sách đặc thù dành riêng cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 68-CT/TW, đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng đồng bào dân tộc Khmer; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên rõ rệt.

Tại thời điểm trước khi Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018, theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, các chương trình, dự án triển khai ở vùng đồng bào dân tộc Khmer, đã xây dựng 90 nghìn nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho 30.025 hộ; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho 18.609 lao động và 5.139 hộ.

Không chỉ góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc Khmer (giai đoạn 2007 – 2018 bình quân giảm 3%/năm), việc thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW đã nâng cao đời sống tinh thần của đồng bào. Tính đến năm 2018, mạng lưới truyền thanh đã tới 100% thôn, ấp; Internet đã được phát triển ở nhiều nơi, tạo điều kiện để đồng bào tiếp cận với nhiều thông tin của cả nước và thế giới. Tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer có phương tiện nghe, nhìn tăng cao, đạt bình quân 98% như Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long; nhiều địa phương đạt 100%, như Kiên Giang, Cần Thơ.

Đặc biệt, cấp ủy Đảng các cấp ở các địa phương trong vùng đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo công tác tôn giáo nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng. Qua đó, đã giúp cho hoạt động của Phật giáo Nam tông Khmer ổn định, đúng hướng tạo niềm tin của sư sãi và tín đồ đối với Đảng, Nhà nước.

Ngày 10/1/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã ban hành Chỉ thị 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới.

Trong Chỉ thị, Ban Bí thư khẳng định: “Hơn 25 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Nhân dân đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer và đạt được những kết quả quan trọng”. Nhờ đó, khối Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được tăng cường, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc Khmer đối với Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Bí thư khóa XII nhận định, công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn những hạn chế; một số chế độ, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer còn chưa đồng bộ. Đời sống của một bộ phận đồng bào còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao…

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời để vùng đồng bào dân tộc Khmer được phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư đã đặt ra 7 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là, phát triển toàn diện kinh tế-xã hội; xóa mù chữ cho đồng bào Khmer; Đầu tư y tế, giáo dục, quan tâm công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer...

Trong đó, Ban Bí thư yêu cầu các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới; cân đối các nguồn lực để ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo; Quan tâm bảo vệ di sản văn hóa chùa chiền dân tộc Khmer, phát triển đội ngũ chức sắc, phát huy vai trò của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, Ban quản lý chùa và Người có uy tín; Thực hiện tốt công tác cán bộ trong hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc Khmer. …

Những chính sách trên tỏ rõ sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với Nhân dân cả nước nói chung, đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng; Đồng thời, khẳng định tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa đồng bào dân tộc Khmer, với các dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Hồng Sơn