gia cong phan mem.jpg
Doanh nghiệp phần mềm Việt sẽ bỏ phí nhiều cơ hội, tiềm năng từ thị trường Nhật Bản nếu không sớm giải quyết được những bất cập về nhân lực. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

>> Doanh nghiệp gia công phần mềm sang Nhật tìm khách hàng / Xuất khẩu phần mềm: "Bám chắc" Nhật, "kết thân" châu Á / Doanh nghiệp outsourcing "liên thủ" đối phó "nhảy việc" 

"Cửa" gia công phần mềm đã mở rộng hơn

Một khảo sát do Hiệp hội Tin học Nhật Bản (Information Technology Promotion Agency Japan) vừa thực hiện đối với hơn 1.100 doanh nghiệp CNTT Nhật Bản về hoạt động thuê ngoài (offshore) cho thấy có khoảng 31,5% các công ty CNTT Nhật Bản lựa chọn Việt Nam, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác như Ấn Độ (20,6%), Trung Quốc (16,7%), Thái Lan (9,7%), Phillipines (7,4%)...

Trao đổi với phóng viên ICTnews về vấn đề này, ông Nguyễn Đoàn Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Hợp tác CNTT Việt Nam – Nhật Bản (VJC) phân tích: Do mối quan hệ Nhật – Trung đang diễn biến phức tạp trong năm vừa qua, hơn nữa đơn giá gia công tại Trung Quốc vẫn cao (đang cao hơn Việt Nam khoảng 30%), nên các công ty có nhu cầu thuê gia công của Nhật đang lên kế hoạch chuyển hướng đặt hàng sang các nước khác ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro và cắt giảm chi phí, trong đó Việt Nam đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.

Ông Chu Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cũng cho rằng Việt Nam đang là sự lựa chọn số 1 của Nhật Bản vì sự tương đồng về văn hóa, khoảng cách địa lý, sự ổn định về chính trị, quan hệ mật thiết giữa hai chính phủ với nhiều chính sách hỗ trợ việc hợp tác, nguồn nhân lực có học vấn và giá rẻ. Một số doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã bước đầu thâm nhập thành công thị trường Nhật Bản, như các công ty FPT Software, CMC, Sao Mai, Tân Thế Kỷ… đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu gia công phần mềm cho Nhật Bản trên 100%/năm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đoàn Hùng lưu ý: “Hiện chỉ mới có khoảng 23,3% các công ty Nhật được khảo sát trả lời rằng đã từng làm offshore tại Việt Nam. Hiện các công ty Trung Quốc vẫn đang chiếm 75 - 80% tổng chi phí làm gia công phần mềm cho các công ty Nhật, còn tổng giá trị đơn hàng các doanh nghiệp Việt Nam dành được chỉ bằng 1/30 so với Trung Quốc. Chưa có thống kê chính xác về tổng doanh thu từ gia công phần mềm cho khách hàng Nhật Bản, song ước đoán chỉ chiếm được khoảng 4 – 5% thị phần gia công phần mềm của Nhật Bản. Những lĩnh vực chính có nhiều đơn đặt hàng gia công xuất khẩu phần mềm từ đối tác Nhật Bản của các doanh nghiệp Việt Nam thường là thương mại điện tử, các ứng dụng trên điện thoại di động, máy tính bảng,…”.

Bàn thêm về khả năng các doanh nghiệp Việt có thể chủ động làm ra phần mềm để xuất khẩu sang Nhật, đánh trúng thị hiếu, nhu cầu của người Nhật, ông Hùng nhận xét: “Điều này tuy không khó nhưng số lượng doanh nghiệp có thể chủ động làm ra những sản phẩm như vậy sẽ rất ít. Ngay như người Nhật mặc dù rất thành công trong việc làm ra máy móc, xe hơi, máy chụp ảnh… “made in Japan” nhưng cũng ít khi làm ra được phần mềm có tiếng, đánh trúng thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng”.

Nhưng nhân lực vẫn là lực cản

Cơ hội hợp tác kinh doanh phần mềm từ “xứ sở hoa anh đào” đang tiếp tục rộng mở đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Chu Tiến Dũng, thách thức lớn nhất của ngành phần mềm Việt Nam vẫn là nhân lực. Nhân lực Việt còn hạn chế nhiều kỹ năng để đáp ứng các dự án đòi hỏi chuyên môn cao từ đối tác Nhật.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đoàn Hùng phân tích: “Hiện nay, phần lớn các công việc bên Nhật giao cho các công ty Việt Nam làm thường chỉ là một phần của những hệ thống phức tạp, thí dụ như là làm các bản báo cáo, các giao diện (user interface) chứ ít có công việc liên quan đến các nghiệp vụ lớn, vì muốn làm được những việc như vậy thì kỹ sư Việt Nam phải có khả năng tiếng Nhật tương đối thông thạo như kỹ sư Trung Quốc, có thể trực tiếp làm việc ở trụ sở của đối tác Nhật, lấy yêu cầu về hệ thống của khách hàng Nhật để thiết kế hệ thống trước khi đi vào giai đoạn lập trình (coding)”.

Lý giải chuyện nhân lực phần mềm của Việt Nam thiếu khả năng ngoại ngữ (cả tiếng Anh và tiếng Nhật), chưa có khả năng cao về thiết kế hệ thống, thiết kế các quy trình nghiệp vụ…, ông Hùng cho rằng: “Nguyên nhân là lịch sử của ngành phần mềm Việt Nam mới chỉ có khoảng 10 năm trở lại đây là phát triển, do đó chưa có những kỹ sư nhiều năm kinh nghiệm. Nói như thế không phải là kỹ sư phần mềm của Việt Nam yếu kém vì ở các nước tiên tiến như Mỹ, Canada, Pháp… rất đông kỹ sư phần mềm gốc Việt đã và đang hành nghề, được đánh giá rất tốt”.

Ngoài vấn đề nhân lực, ông Hùng còn đề cập tới một số lực cản khác có thể gây khó khăn cho hoạt động gia công phần mềm cho khách hàng Nhật Bản của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam.

“Nói chung, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam còn manh mún quá, phần lớn doanh nghiệp chỉ có tầm dưới 50 kỹ sư phần mềm, rất ít doanh nghiệp đạt trên 100 kỹ sư phần mềm, trong khi các công ty ở Trung Quốc, Ấn Độ thường có tới vài trăm kỹ sư, thậm chí vài ngàn kỹ sư trở lên. Đặc biệt, nhân sự của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam không ổn định, không giữ được cán bộ chủ chốt, các kỹ sư có năng lực lại thích chọn thị trường Âu – Mỹ vì tiếng Anh dễ học hơn tiếng Nhật, còn nhân viên thì thiếu sự trung thành với công ty, hễ tìm được chỗ nào trả lương cao hơn thì chuyển việc. Điều này khiến cho khách hàng Nhật không an tâm giao việc cho các doanh nghiệp Việt, nhất là những doanh nghiệp quá nhỏ”, ông Hùng nhấn mạnh. 

Theo tìm hiểu của phóng viên ICTnews, các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam đã tự nhận thức được điểm yếu của mình và đang nỗ lực tìm cách khắc phục. Chẳng hạn, các doanh nghiệp trong nhóm Câu lạc bộ Gia công phần mềm (Outsourcing) như CMCSoft, VNext, IFI Solution, CNC, Seta, Joom Solution… đã quyết định liên kết trao đổi thông tin với nhau, nếu biết nhân viên vẫn đang làm dở dự án ở công ty cũ thì nhất quyết không nhận vào công ty mới. Dù không thể “đẩy lùi” được “nạn nhảy việc” song sáng kiến này cũng góp phần khắc phục hậu quả của tình trạng “nhảy việc”. Được biết, cách đây khoảng 2 năm, VINASA cũng đã công bố giải pháp “Sổ nghề” nhằm chống lại tình trạng nhân viên nhảy việc không đàng hoàng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên đến giờ việc triển khai vẫn chưa được như mong muốn.