Mới đây, tại buổi làm việc giữa Văn phòng Chính phủ với các doanh nghiệp CNTT để giới thiệu Nghị quyết về xây dựng Chính phủ điện tử, ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc công ty DTT đã bày tỏ quan ngại qua câu chuyện liên quan đến doanh nghiệp của mình.
“Chúng tôi có nhà đầu tư lớn muốn mua lại cổ phần của DTT, nhưng riêng mảng Chính phủ điện tử thì nhà đầu tư kiên quyết bắt chúng tôi phải bỏ ra trong bối cảnh dịch vụ vẫn tăng trưởng tốt. Đối tác này bảo mảng về Chinh phủ điện tử là phần rủi ro lớn. Vì trong nghị quyết có ghi rõ là Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh có quyền chỉ định thầu. Đối tác hỏi chúng tôi có ai là con Bộ trưởng hay Chủ tịch tỉnh không?”, ông Nguyễn Thế Trung nói.
Ông Nguyễn Thế Trung nói tiếp, sau khi đối tác xem xét vấn đề thì họ nói rằng làm mảng Chính phủ điện tử dễ đi tù bất cứ lúc nào nếu giữ dữ liệu của Chính phủ. Nếu dữ liệu đó bị đánh cắp, rò rỉ thì là rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp tham gia mảng này.
Cũng tại buổi làm việc, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, trong Nghị quyết 36 đưa ra rằng Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh có thể chỉ định thầu. Có chủ trương cho thuê dịch vụ CNTT nhưng thực tế thị trường dịch vụ chưa hình thành nên khó có thể đấu thầu để chọn đối tác nên phải chỉ định thầu. Vì vậy, phải có niềm tin mới làm được Chính phủ điện tử.
Trả lời về những lo ngại trên, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: khi thuê doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công thì giống như việc Chính phủ thuê két để giữ tiền chứ không thuê tiền nên không lọt dữ liệu ra ngoài. Chính phủ sẽ quản lý dữ liệu chặt chẽ để tránh việc lọt ra ngoài.
Liên quan đến vấn đề chỉ định thầu, ông Lê Mạnh Hà cho rằng: “Tôi không nghĩ chỉ định thầu lại gây băn khoăn như vậy. Trong cạnh tranh bình đẳng thì muốn đầu thầu hơn. Nhưng thực tế ở địa phương cho thấy có doanh nghiệp đến giới thiệu dịch vụ rất tốt và lãnh đạo muốn chọn đơn vị này làm nhưng đơn vị đó lại trượt thầu. Vì vậy, chỉ định thầu cũng có mặt tích cực chọn đối tác tốt. Nếu có vấn đề tham nhũng trong chỉ định thầu thì không nói làm gì. Cũng nên tin tưởng các đơn vị”. Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà cũng khẳng định, khi Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh chỉ định doanh nghiệp nào đó cung cấp dịch vụ CNTT thì phải nêu lý do xác đáng.
Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 36 về Chính phủ điện tử. Trong Nghị quyết này có đưa ra mục tiêu đến năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3. Tích cực triển khai để cung cấp dịch vụ công mức độ 4. Xây dựng, ban hành và hàng năm cập nhật danh sách các dịch vụ công được ưu tiên cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 của các bộ, ngành, địa phương.
Đẩy mạnh triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp... để cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Để bảo đảm an ninh thông tin, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chỉ định thầu; xác định giá thuê tạm thời ngắn hạn (dưới 12 tháng) nếu chưa đủ điều kiện cần thiết để xác định giá thuê ổn định.