Khu vực Tây Bắc của Việt Nam, có diện tích khoảng 50.810 km2 là địa bàn cư trú của hơn 30 dân tộc thiểu số. Hầu hết các dân tộc thiểu số ở khu vực này đều theo tín ngưỡng đa thần với việc thờ cúng các vị thần như: thờ cúng Trời (người Mông gọi là Vua Trời, người Thái gọi gọi là Phi Đẳm, người Tày gọi là Phi Then, người Nùng gọi là Phi Phạ,...); thờ cúng linh hồn tổ tiên (ma nhà); thờ cúng ma bản, mường; thờ cúng các loại ma khác, như: ma chủ đất, ma chủ nước,...
Những năm gần đây, cùng với sự mở rộng truyền giáo của các tôn giáo lớn và sự xuất hiện của nhiều hiện tượng tôn giáo mới, đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã có nhiều biến động lớn. Hiện nay, ở khu vực Tây Bắc có sự hiện diện của các tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và khoảng 20 hiện tượng tôn giáo mới.
Hiện nay, ở khu vực Tây Bắc có sự hiện diện của các tôn giáo lớn, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và khoảng 20 hiện tượng tôn giáo mới. |
PGS, TS. Hoàng Thị Lan - Viện Nghiên cứu tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã khái quát một số biểu hiện mới trong quan hệ dân tộc - tôn giáo ở khu vực Tây Bắc dưới tác động của các tôn giáo như sau:
Một là, hình thành các cộng đồng dân tộc - tôn giáo. Sự phát triển của các tôn giáo lớn đã làm hình thành nên các cộng đồng dân tộc - tôn giáo ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt ở những cộng đồng dân tộc chịu ảnh hưởng của Công giáo và đạo Tin lành. Nếu như trước đây, các giá trị văn hóa tộc người với những quy ước chung của dòng họ, tộc người là yếu tố cơ bản gắn kết các cộng đồng dân tộc thì từ khi có sự du nhập của các tôn giáo lớn, niềm tin tôn giáo trở thành yếu tố gắn kết các nhóm tộc người.
Yếu tố cơ bản để nhận diện các cộng đồng dân tộc - tôn giáo hiện nay là niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo trong các cộng đồng có cùng đức tin. Ở một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái từ lâu đã hình thành các cộng đồng người Mông theo Công giáo. Hiện ở khu vực này, Công giáo có khoảng hơn 36 nghìn tín đồ là người dân tộc thiểu số và đã hình thành một liên kết chặt chẽ, thống nhất điều hành các sinh hoạt đạo theo các cơ cấu hành chính đạo là giáo phận - giáo hạt - giáo xứ - giáo họ.
Bên cạnh 2 tôn giáo lớn là Công giáo và Tin lành, những năm gần đây Phật giáo cũng đang nỗ lực khôi phục lại sự hiện diện của mình trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc nhưng kết quả vẫn còn khá khiêm tốn. Mặc dù, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập được tổ chức giáo hội địa phương (Ban trị sự Phật giáo) ở cả 6 tỉnh của khu vực Tây Bắc và ở một số tỉnh đã xây dựng được những ngôi chùa khá to, đẹp, nhưng sức hút của Phật giáo đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế.
Hai là, hình thành các mối quan hệ dân tộc - tôn giáo xuyên quốc gia và liên khu vực.
Sự phát triển của đạo Tin lành trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã tạo điều kiện cho các tộc người ở khu vực này mở rộng giao lưu với các tộc người khác có cùng niềm tin tôn giáo, với cộng đồng đồng tộc có cùng đức tin ở các khu vực khác trong nước, thậm chí là ở nước ngoài.
Trong những năm tới, khi khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây và tuyến hành lang châu Á xuyên qua khu vực Tây Bắc Việt Nam được mở, chắc chắn người Mông ở Tây Bắc sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong giao lưu với người Mông ở Trung Quốc. Khi đó, những mối quan hệ đồng tộc, đồng tôn của người Mông ở 2 bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Có thể nói, mối quan hệ tộc người - tôn giáo liên khu vực, xuyên quốc gia đã và đang đặt ra những thách thức lớn cho công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Ba là, làm biến đổi các mối quan hệ gia đình, dòng tộc do tác động của yếu tố tôn giáo
Khi các tôn giáo lớn du nhập vào cộng đồng các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc đã dẫn đến hiện tượng một bộ phận đồng bào dân tộc cải đạo. Sự chuyển đổi niềm tin của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số đã dẫn đến những xáo trộn lớn trong quan hệ tộc người. Ở bộ phận đồng bào dân tộc theo Phật giáo, về cơ bản các mối quan hệ truyền thống không xảy ra những xáo trộn. Ở bộ phận đồng bào theo Công giáo thì các quan hệ này ít nhiều có sự biến đổi nhất định do sự khác biệt về đức tin nhưng không gây ra nhiều tác động xấu. Còn đối với đồng bào dân tộc theo đạo Tin lành thì tôn giáo này có tác động rất lớn và gây nên nhiều xáo trộn trong các mối quan hệ truyền thống của tộc người.
Bốn là, tác động của yếu tố tôn giáo - tộc người đang tiềm ẩn những nguy cơ làm rạn nứt khối đại đoàn kết dân tộc, gây bất ổn về an ninh chính trị, xã hội
Bên cạnh việc làm mai một giá trị văn hóa, gây mâu thuẫn, xung đột trong các mối quan hệ truyền thống của các cộng đồng tộc người, sự phát triển của các tôn giáo lớn và sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới trong đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc những năm gần đây còn làm rạn nứt khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn an ninh chính trị, xã hội.
Cùng với đó, sự xuất hiện của các hiện tượng tôn giáo mới, chẳng hạn như hiện tượng “Con đường mới” ở Sìn Hồ, Lai Châu, hiện tượng tôn giáo “Zê Sùa” xuất hiện ở một số địa phương,... gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Những hoạt động nói trên đã gây xáo trộn cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, xã hội vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt ở các khu vực giáp biên.
Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh mới, do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố tôn giáo, quan hệ dân tộc - tôn giáo trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực Tây Bắc Việt Nam đang có những biến động lớn, đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm cho công tác dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.
Lê Dương
Ảnh: Lê Phong