Chia sẻ về đời sống tín ngưỡng phong phú của tín đồ dân tộc thiểu số, TS Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách tôn giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ nhấn mạnh, ở Việt Nam không có phân biệt giữa tôn giáo vùng, miền, dân tộc, việc thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện thống nhất trong cả nước.
Để bảo đảm quyền tự do tôn giáo của tín đồ dân tộc thiểu số trong vùng, chính quyền đã tạo điều kiện cho đăng kí sinh hoạt tôn giáo tập trung đối với các nhóm tín đồ trên địa bàn cả tỉnh miền núi. Đến tháng 4/2019, có 13 tỉnh miền núi phía Bắc (bao gồm Thanh Hóa và Nghệ An) đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 797 điểm nhóm theo đạo Tin lành. Chấp thuận thành lập các chi hội Tin lành từ các điểm nhóm đã được cấp đăng kí sinh hoạt tôn giáo tập trung với 2 mô hình: Từ một điểm nhóm thành lập một chi hội; Từ một số điểm nhóm cùng tổ chức, tín đồ cùng ngôn ngữ, giao thông thuận lợi thành lập chi hội.
Chính quyền luôn tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, chức việc, nhà tu hành là tín đồ người dân tộc thiểu số hoặc hoạt động tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số như: Các lớp bồi dưỡng thần học, giáo lí của đạo Tin lành; đào tạo tại các Đại chủng viện của Công giáo; Học viện, trường trung cấp, Sơ cấp, Trung cấp Pali tại các tự viện Phật giáo Nam tông Khơ-me.
Việc phong phẩm, bổ nhiệm và thuyên chuyển địa bàn hoạt động đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành tại địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số được quan tâm, góp phần bình ổn hoạt động tôn giáo vùng. Tạo điều kiện để các tôn giáo tổ chức tốt các đại hội, hội nghị; dịch kinh sách ra tiếng dân tộc, tổ chức thánh lễ bằng tiếng dân tộc (Phật giáo, Công giáo, Tin lành) giúp tín đồ thuận lợi trong sinh hoạt tôn giáo.
Công tác hướng dẫn xây dựng, sửa chữa cơ sở tôn giáo, tạo điều kiện cho tín đồ có địa điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung luôn được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết tạo sự phấn khởi, tin tưởng của chức sắc, tín đồ người dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước. Hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo của các cá nhân và tổ chức tôn giáo vùng dân tộc thiểu số luôn được tạo điều kiện như: khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí; nhà nội trú học sinh, các lớp nhà trẻ, mẫu giáo, các trung tâm dạy nghề cho con em người dân tộc thiểu số; tổ chức bếp ăn tình thương tại bệnh viện; hỗ trợ cứu trợ thường xuyên và khẩn cấp… góp phần cùng chính quyền chăm lo cho người dân, giảm tải gánh nặng xã hội.
Cùng với công tác hướng dẫn, tạo điều kiện trong hoạt động tôn giáo thì công tác vận động đồng bào tôn giáo phòng chống tệ nạn xã hội, đấu tranh chống các thế lực cực đoan lợi dụng tôn giáo vùng dân tộc thiểu số để chống phá Việt Nam mang lại nhiều kết quả tích cực. Giá trị đạo đức tôn giáo được phát huy góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống đồng bào.
Phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ các tôn giáo trong phát hiện nhận diện và đấu tranh với các đối tượng cực đoan núp bóng tôn giáo hoạt động chống đối chính quyền, kêu gọi thành lập "Vương quốc Mông", “Nhà nước Khơ-me”, “tà đạo Hà Mòn”, “Tin lành Đề ga” nhằm ly khai, tự trị vùng dân tộc thiểu số. Ngăn chặn hoạt động của các “tôn giáo mới, tà đạo, đạo lạ” như Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ, "Đạo Bà Cô Dợ", "Hội thánh Giê Sùa", các tổ chức bất hợp pháp như Pháp Luân công, Dương Văn Mình… Thu giữ nhiều tài liệu tuyên truyền xuyên tạc, đưa các đối tượng ra kiểm điểm trước dân, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của thế lực thù địch trong việc lợi dụng tôn giáo để chống phá nhà nước.