Trong 3 năm (2021 - 2023), tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 phân bổ cho tỉnh Kiên Giang là trên 446 tỷ đồng, thực hiện 11 tiểu dự án thuộc 9 dự án của chương trình.

Triển khai Chương trình, tỉnh Kiên Giang đã huy động được tổng hợp các nguồn lực để thực hiện, bao gồm cả nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, các tổ chức, cá nhân, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống người dân; hỗ trợ nhà ở, phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế... Qua đó, đã tạo được niềm tin của người dân, nhất là đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

W-khmerkiengiang.png
Đời sống đồng bào DTTS ở Kiên Giang cải thiện rõ rệt 

Thời gian qua, Kiên Giang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc. Bên cạnh đó, Kiên Giang đã huy động các nguồn lực, lồng ghép nhiều chương trình, dự án để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trong đồng bào Khmer.

Nhờ vậy, đến đầu năm 2023, hộ nghèo trong đồng bào DTTS của Kiên Giang theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn 2.552 hộ (chiếm 3,68%), hộ cận nghèo DTTS còn 3.871 hộ (chiếm 5,59%). Diện mạo ở các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã đổi thay, nhất là sự chuyển biến trong ý thức và ý chí tự lực vươn lên.

Tiếp tục đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của bà con DTTS tăng 2 lần so với năm 2020, giảm nghèo hàng năm từ 1 - 1,5% và giảm 60% số xã không còn đặc biệt khó khăn... Để đạt mục tiêu, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, các chính sách trong vùng DTTS.

Quốc Huy và nhóm PV, BTV