Trong quá trình đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt được các đặc điểm của thời đại mới và hoạt động tích cực để gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Tư tưởng của Người là hợp tác quốc tế để xóa bỏ nghèo nàn, lạc hậu và thực hiện chiến lược phát triển đất nước, gắn liền với những chuyển biến mang tính thời đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương mời những nhà chuyên môn Pháp, Mỹ, Nga hay Trung Quốc giúp kiến thiết quốc gia. Trong lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc...
Sau 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng lãnh đạo, chủ trương đẩy mạnh mở rộng hợp tác quốc tế, giao thương, tranh thủ viện trợ kinh tế - kỹ thuật của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các lực lượng dân chủ, hòa bình thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, chính sách đối ngoại là “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
Trên tinh thần đó, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.”
Gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt
Năm 2022 vừa qua, thế giới có những biến động hết sức nhanh chóng, phức tạp và chưa từng có tiền lệ.
Trong nước, đây là năm thứ hai triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, đặc biệt là sau khi chính thức mở cửa trở lại từ tháng 3/2022, chúng ta tiếp tục tập trung kiểm soát tốt dịch Covid-19, giữ ổn định chính trị - xã hội và phục hồi kinh tế.
Trong bối cảnh đó, việc phát huy năng lực dự báo, tham mưu và khả năng “linh hoạt, chủ động, thích ứng” với tình hình mới trở nên cần thiết hơn bao giờ hết đối với ngành ngoại giao và trên thực tế đã được Bộ Ngoại giao tập trung, nỗ lực thực hiện tốt.
Xác định rõ trọng tâm nghiên cứu dự báo, nhất là xu thế dịch bệnh Covid-19, chính sách mở cửa và phục hồi của các nước, các diễn biến trong quan hệ nước lớn, những xu hướng đa phương, liên kết mới và những vấn đề an ninh phi truyền thống để từ đó có những kiến nghị phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.
Phát huy tối đa vai trò “ăng-ten đối ngoại” của toàn bộ 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với vai trò phân tích, dự báo từ sớm, từ xa ngay từ các địa bàn ngoài nước, từ tiếp xúc đối ngoại, phân tích động thái sở tại đến tham mưu chính sách, biện pháp.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan tham mưu của các ban, bộ, ngành cũng như tham khảo ý kiến các học giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh nghiệm, mô hình xử lý các vấn đề kinh tế, phát triển của các nước phục vụ chính sách điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ.
Các hoạt động đối ngoại sôi động, nhất là đối ngoại cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã thể hiện sự chủ động, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới.
Việt Nam đã triển khai gần 70 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt, trong đó có 34 hoạt động trực tiếp (gồm 15 đoàn thăm nước ngoài và 19 đoàn nước ngoài thăm Việt Nam); 36 hoạt động trực tuyến (gồm các cuộc hội đàm, điện đàm, hội nghị trực tuyến).
Trước diễn biến của tình hình xung đột Nga-Ukraine, chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệp đồng tác chiến với các cơ quan liên quan, không để bị động, bất ngờ, kịp thời bảo đảm lợi ích của đất nước, bảo hộ công dân Việt Nam bị ảnh hưởng, đóng góp vào các nỗ lực quốc tế hỗ trợ cho người dân vùng xung đột, tìm hiểu, tham mưu để khắc phục, ứng phó với hệ lụy do xung đột gây ra.
Kịp thời có bước chuyển linh hoạt nhiệm vụ trọng tâm từ ngoại giao vắc xin sang ngoại giao phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thích ứng với tình hình mới của đất nước.
Định hướng chiến lược cho công tác đối ngoại năm 2023
Bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức hơn năm 2022.
Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Ngoại giao năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, tinh thần chung, tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc đối ngoại và ngoại giao Hồ Chí Minh; quán triệt nghiêm túc và luôn bám sát chủ trương của Đại hội XIII và chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc.
Theo đó, ngoại giao cần chủ động đi trước mở đường cho phát triển đất nước; bảo vệ "từ sớm", "từ xa", "giữ nước từ khi nước chưa nguy", không để bị động bất ngờ về chính sách đối ngoại; dám nghĩ, dám làm, bắt kịp với xu thế mới.
Trên tinh thần đó, năm 2023 Ngành Ngoại giao sẽ tập trung vào triển khai 6 ưu tiên:
Một là, tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại ổn định, hòa bình và thuận lợi để phát triển; đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác đi vào chiều sâu, thực chất, gia tăng tin cậy chính trị và đan xen lợi ích. Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương.
Hai là, góp phần vào duy trì ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo có nguy cơ suy thoái. Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.
Định vị Việt Nam trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển đổi xanh để có các bước triển khai bài bản và chuẩn bị trong nước nhằm nắm bắt cơ hội và khai thác xu thế phát triển mới. Tranh thủ sự hỗ trợ của các nước trong quá trình xây dựng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền vững, chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng; tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết, đặc biệt là CPTPP, EVFTA, RCEP.
Ba là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, nắm sát tình hình Biển Đông và biên giới trên bộ, vừa chủ động thúc đẩy hợp tác với các nước liên quan, vừa kịp thời tham mưu đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, quyền tài phán và các lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Bốn là, thúc đẩy nền ngoại giao hiện đại, toàn diện, trong đó tăng cường hiệu quả phối hợp giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tất cả các trụ cột, lực lượng làm công tác đối ngoại.
Năm là, phát huy vai trò của đối ngoại trong thúc đẩy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của tình hình mới. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, nhất là các vấn đề tác động trực tiếp, lâu dài đến an ninh và phát triển của đất nước.
Sáu là, xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách, phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo. Tiếp tục đặc biệt coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ, trong đó có đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ ngoại giao, nhất là với cán bộ cấp chiến lược, lãnh đạo, quản lý.
Những thành tựu trong công tác đối ngoại của Việt Nam thời gian qua chính là cơ sở để ngành ngoại giao triển khai tốt 6 trọng tâm của năm 2023, từ đó góp phần đưa đất nước tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò trên trường quốc tế, đồng thời đem lại những nguồn lực để thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong nước.
Hải Vân