Thập kỷ 80 thế kỷ 20 chứng kiến sự khủng hoảng của các nước XHCN mà đỉnh điểm là sự sụp đổ của mô hình xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô đã dẫn đến những biến đổi to lớn trên bàn cờ thế sự toàn cầu. Đây có thể coi là dấu mốc rất quan trọng, mở ra thời kỳ mới – thời kỳ mà các quốc gia, tổ chức buộc phải điều chỉnh chính sách đối nội, đối ngoại để thích nghi, tồn tại và phát triển.
Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Yêu cầu cấp bách đối với công tác đối ngoại là phải nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, phá thế bị bao vây, cấm vận, cô lập, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước khu vực và quốc tế, xa hơn nữa là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế, trở thành nước phát triển có vị thế quốc tế cao. Năm 1986, cùng với công cuộc đổi mới đất nước thì tư duy đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta cũng có những thay đổi đáng kể, có thể phân chia quá trình đổi mới tư duy đối ngoại của Việt Nam thành ba giai đoạn như sau:
Từ 1986 – 1995: Hình thành đường lối đối ngoại đổi mới, phá thế bao vây, cấm vận
Đại hội 6 (1986) của Đảng xác định đổi mới toàn diện đất nước, mở đầu quá trình hình thành chính sách đối ngoại và hội nhập thời kỳ đổi mới. Tháng 5/1988, Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị khóa 6 về “nhiệm vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới”. Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của thời kỳ đổi mới có tính đột phá về tư duy đối ngoại, chuyển đấu tranh ngoại giao từ trạng thái đối đầu sang hợp tác, cùng tồn tại hòa bình, phát triển.
Hội nghị Trung ương 6 (tháng 3/1989), Hội nghị Trung ương 7 (tháng 8/1989) và Hội nghị Trung ương 8 (tháng 3/1990) của khóa 6 với "các nguyên tắc cơ bản cần được quán triệt trong quá trình đổi mới" và các nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay", "Tình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta" đã đề ra các quyết sách đối phó với những tác động phức tạp trên thế giới và công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Đây có thể coi là bước đổi mới tư duy thế giới quan rất quan trọng góp phần thực hiện thành công nghiệm vụ cách mạng Việt Nam thời kỳ này.
Đại hội Đảng lần thứ 7 (6/1991) xác định quan điểm Việt Nam “muốn là bạn” với các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa 7 (6/1992) đưa ra chủ trương “Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”; “Nắm vững “hai mặt hợp tác và đấu tranh” trong quan hệ với mọi đối tác”; “Mở rộng quan hệ với tất cả các nước, chú trọng quan hệ với các nước lớn”. Nghị quyết này là văn kiện đánh dấu sự hình thành đường lối đối ngoại của Đảng ta cho thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.
Trên cơ sở thay đổi nhận thức về tình hình thế giới, khu vực và trong nước, giai đoạn 1986 – 1995, Đảng và Nhà nước ta đã tạo ra bước ngoặt lớn trong đổi mới tư duy đối ngoại và đạt được những thành tựu rất đáng ghi nhận trong giai đoạn này, gỡ bỏ được các rào cản lớn: Việt Nam ta đã phá thế bao vây cô lập, phát triển rộng rãi quan hệ đối ngoại. Nước ta đã lần lượt bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1991, với Mỹ năm 1995, thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước quan trọng trên thế giới và gia nhập ASEAN năm 1995.
Giai đoạn từ 1996 đến 2010: Mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế
Tháng 7/1996, Đại hội Đảng lần thứ 8 xác định chủ trương “Xây dựng một nền kinh tế mở, chủ trương “hội nhập kinh tế quốc tế”; quan điểm về đối ngoại được thể hiện: “Việt Nam sẵn sàng là bạn với các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển.” Đại hội Đảng lần thứ 9 (tháng 4/2001) đề ra phương châm Việt Nam “ là bạn, là đối tác tin cậy” của các nước trong cộng đồng quốc tế.
Tháng 7/2003 Nghị quyết Trung ương 8 khóa 9 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” đã làm rõ quan điểm về “đối tác – đối tượng” (giảm thiểu khác biệt, gia tăng điểm tương đồng), mở rộng mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với các nước.
Đại hội Đảng lần thứ 10 (4/2006), xác định đưa các quan hệ quốc tế đã được thiết lập vào chiều sâu, ổn định, bền vững. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế (đã thiết lập số lượng lớn mạng lưới bạn bè, đối tác), tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực (gia nhập nhiều tổ chức quốc tế và khu vực).
Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc năm 1977; tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 1998. Năm 2006, Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),… và trong giai đoạn này thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia trên thế giới góp phần định vị Việt Nam vững chắc hơn trên trường quốc tế.
Từ năm 2011- nay: Đưa các quan hệ đi vào chiều sâu và Hội nhập quốc tế toàn diện
Tháng 1/2011, Đại hội Đảng lần thứ 11 là bước chuyển biến lớn từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang chủ động, tích cực “hội nhập quốc tế” (toàn diện), xác định “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm” trong cộng đồng quốc tế.
Đại hội 12 (2016) đặc biệt nhấn mạnh vấn đề lợi ích quốc gia – dân tộc trong mục tiêu đối ngoại, theo đó quan điểm “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Chỉ thị 25-CT/TW (8/2018) của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030: Nỗ lực vươn lên vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải.
Gần đây nhất, Đại hội 13 tháng 1/2021 xác định mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại là “Đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc; Hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện; Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại”. Lần đầu tiên nêu vấn đề “xây dựng nền ngoại giao hiện đại, toàn diện với 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng; ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại Nhân dân.
Từ đổi mới tư duy đối ngoại qua các thời kỳ thông qua việc hoạch định chủ trương đường lối đối ngoại trên, quan hệ quốc tế của Việt Nam dần đi vào chiều sâu & hội nhập toàn diện ở cả hai chiều song phương và đa phương.
Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 3 đối tác đặc biệt là Lào, Campuchia, Cuba; 7 đối tác chiến lược toàn diện: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia. 11 Đối tác chiến lược gồm Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italia, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Pháp, Malaysia, Philippines, New Zealand. 12 Đối tác toàn diện: Nam Phi, Chile, Brazil, Venezuela, Argentina, Ukraina, Đan Mạch, Myanmar, Canada, Hungary, Brunei, Hà Lan. Quan hệ với 247 đảng/111 quốc gia.
Việt Nam là thành viên của trên 70 tổ chức quốc tế, cấp phép cho hơn 500 tổ chức phi chính phủ hoạt động, tham gia hầu hết các diễn đàn, cơ chế hợp tác lớn của quốc tế (ASEM, APEC, Shangrila). Thông qua 16 FTA trong đó 13 FTA có hiệu lực, 71 nước công nhận cơ chế kinh tế thị trường ở Việt Nam.
Trên diễn đàn đa phương, trong vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn cũng như hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (2008-2009 và 2020-2021), Hội nghị cấp cao ASEAN (1998, 2010 và 2020), Hội nghị cấp cao ASEM (2004), Hội nghị thượng đỉnh APEC (2006, 2017), Diễn đàn Kinh tế giới về ASEAN (2018), Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều (2019), cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ…
Nghị quyết Đại hội 13 khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, trong đó có đóng góp rất quan trọng của đối ngoại, bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân.
Tình hình thế giới, khu vực và trong nước sẽ luôn biến đổi không ngừng, để đối ngoại góp phần hoàn thành mục tiêu cách mạng giai đoạn hiện nay, cần phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân để đối ngoại trong triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.