Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết năm học 2023 - 2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025; đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Chỉ thị 38 –CT/TU (5/9/2023) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 tại TP Hạ Long mới đây, 100% các chỉ tiêu được ngành giáo dục Quảng Ninh đề ra trong năm đều đạt và vượt; trong đó nhiều chỉ tiêu vượt rất xa so với kế hoạch. 

Theo đó, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,5%, cao hơn toàn quốc 31%, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. 

Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp đạt 95,1%; tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 94,58%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,18%; tỷ lệ xóa mù chữ 99,77%...

Lần đầu tiên, Quảng Ninh đứng thứ 8 trong top 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia THPT cao nhất cả nước. 

Đặc biệt, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh có thứ hạng cao nhất từ khi có xếp hạng điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT của các địa phương trong cả nước, với điểm trung bình thi tốt nghiệp là 6,67 điểm; xếp thứ 25/63 địa phương trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2023 và tăng 25 bậc so với năm 2020 – năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Ảnh chụp Màn hình 2024 11 01 lúc 11.06.05.png
Quảng Ninh có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 90,5%.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Cao Tường Huy đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh vẫn còn những tồn tại nhất định. Đơn cử như một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự chưa sát sao trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung và với các cấp học thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương nói riêng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; năng lực quản lý của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh đổi mới.

Năm học 2024 - 2025 là năm học cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo. Đổi mới công tác quản lý giáo dục, quản trị nhà trường theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Phát triển hài hòa, hợp lý, nâng cao chất lượng giáo dục các trường ngoài công lập.

Cùng với đó, kịp thời khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập của đơn vị, địa phương theo thẩm quyền. Kịp thời tuyển dụng và hợp đồng giáo viên thực hiện chủ trương “có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp”. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tiếp tục quy hoạch, rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục hợp lý, cân đối giữa trường công lập và trường ngoài công lập.

Hoàn thành việc xây dựng các trường phổ thông đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2 theo Nghị quyết số 99/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, nhất là quan tâm đến các khu vực có dân số tăng nhanh, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học đã được mua sắm, trang cấp.

Ngành giáo dục đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và dạy học; khuyến khích phát triển và khai thác dữ liệu lớn, giải pháp trí tuệ nhân tạo phù hợp trong giáo dục và đào tạo. Đồng thời, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đối với cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên, học sinh, sinh viên, học viên. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua trong toàn ngành, phấn đấu đến năm 2025 có 2 thành phố tham gia mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO…