- “Chúng ta phải bắt đầu từ tinh thần “Đổi mới hay là chết” và bắt đầu từ những việc làm cụ thể, thiết thực”.

LTS: Xung quanh vấn đề cải cách bộ máy hành chính nhà nước để kiến tạo phát triển, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Hoài Thu. Ảnh: Hoàng Điệp/ TTO

Không “tinh”, không “giản”, còn… phình to

Thưa bà, từng là ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, chắc bà không ít lần “đụng chạm” vấn đề bộ máy nhà nước cồng kềnh mà Hội nghị Trung ương 6 vừa rồi đã xác định là nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết?

Tôi đã xem thông báo kết quả của Hội nghị Trung ương và hết sức hoan nghênh, đồng tình. Những vấn đề đưa ra là rất sát sườn, cấp bách và bức xúc. Trung ương đã có những kết luận rất xác đáng, đúng đắn và cần thiết, đặc biệt phần nói về tinh giản biên chế, cải cách bộ máy hành chính nhà nước.

Chủ trương này thực ra không có gì mới, đã nói từ lâu nhưng gần như bất lực vì không hề “tinh” hay “giản” gì được mà ngày càng phình to ra, tỷ lệ nghịch với hiệu quả công tác. Tới nay, yêu cầu tinh giản bộ máy hành chính nhà nước đã thành vấn đề cấp bách, nóng hổi không thể không làm.Nếu tôi nhớ không lầm thì từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho tới nay, thủ tướng nhiệm kỳ nào cũng đưa ra nhiệm vụ tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính?

Hồi tôi còn làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, có lần Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm và làm việc. Tôi nhớ mãi cuộc trao đổi chân tình giữa tôi và Thủ tướng.

Trong nhiều nội dung quan trọng lúc ấy, có phần về bộ máy nhà nước cồng kềnh kém hiệu quả. Theo Thủ tướng, “bộ máy nhà nước ta đang như một hội từ thiện khổng lồ, ai ai cũng muốn chen chúc chui vào biên chế nhà nước để chia chác phần ngân sách ít ỏi. Lương không đủ ăn nhưng không vì thế mà người ta “chê”. Biên chế nhà nước ngày càng to ra. Đến giờ, tôi là thủ tướng có thâm niên cao nhất thế giới mà chưa kỷ luật hay tinh giản được ai”.

Tôi chắc rằng, nếu còn sống, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng phải hoảng với bộ máy tiếp tục phình to không thể tưởng tượng nổi.

Rõ ràng là đã từ lâu lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thấy rõ vấn đề của bộ máy hành chính nhà nước và rất muốn thoát ra, nhưng đến nay còn bị kéo lún sâu hơn.

Theo bà, nguyên nhân do đâu?

Thành quả của công cuộc Đổi mới 30 năm qua hết sức to lớn làm cho chúng ta “ngủ quên” một lần nữa. Suốt 30 năm qua sống trong thành quả này, chúng ta đã phai nhạt mất hương vị của những ngày khó khăn, giống như người ăn ngon thường xuyên không còn nhớ tới bữa cơm chỉ với muối với rau. Chúng ta quên mất rằng, Đổi mới phải liên tục hàng ngày, hàng giờ, không được đứng một chỗ, không được bằng lòng rồi “đắp chăn” ngủ say!

Thế giới đang tiến bộ không ngừng, vượt rất xa, còn chúng ta vẫn lạc hậu. Trong đó có vấn đề cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Bất cứ một nhà nước nào muốn tồn tại và phát triển, phải luôn thực hiện hai vấn đề lớn. Một là luôn tự Đổi mới và cải cách; hai là phải cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển. Nếu không, chính bộ máy này vừa là gánh nặng, vừa là lực cản.

Bộ máy tăng lên, kéo theo nhiều hệ lụy tốn kém vô kể không thể kiểm soát nổi. Giống như người bị béo phì, cân thì nặng, các chi phí tốn kém hơn nhưng sức khỏe không thể tốt được.

Hội nghị Trung ương vừa qua đã có quyết định giải tán 3 Ban chỉ đạo ở 3 khu vực quan trọng. Điều này có ý nghĩa gì, thưa bà?

Ba ban này thành lập vào thời điểm đặc thù để xây dựng lực lượng bảo vệ an ninh Tổ quốc, lẽ ra hết nhiệm vụ phải giải tán. Thế mà chúng ta tiếp tục duy trì và biến thành nơi để đưa cán bộ về hưu, một số cán bộ không được dân tín nhiệm v.v… về ngồi. Rồi cũng phải đầy đủ bộ sậu phòng này ban nọ, trụ sở làm việc, mỗi ban có mấy phó ban kéo theo phải có nhân viên, xe cộ phục vụ. Đã vậy còn có đài truyền hình như đài truyền hình Tây Nam bộ nữa.  

Trong khi đó chắc chắn rằng các ban này không thể thay thế cho tỉnh ủy, UBND tỉnh ở từng địa phương được.

Tôi cho rằng, việc giải thể ba ban chỉ đạo này là quá chậm. Lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu, từ rất lâu rồi.

Trong những hội chứng của bộ máy cồng kềnh, bà thấy điều gì phải cảnh báo cấp thiết? 

Tôi thấy phải nhấn mạnh, cấp báo là vấn nạn chia tách tỉnh. Tôi chỉ ủng hộ việc chia tách một số tỉnh vùng núi phía Bắc. Còn lại, việc chia tách như lâu nay là không phù hợp.

Tôi cho rằng, chủ trương nhập lại các tỉnh sau ngày thống nhất đất nước là hoàn toàn đúng đắn. Tôi còn nhớ Bộ chính trị, Ban chấp hành Trung ương khóa 3 và Quốc hội đã biểu quyết thống nhất số tỉnh của cả nước vào năm 1976. Thẩm quyền chia tách tỉnh đã được Hiến định cho Quốc hội.

Nhưng sau đó chúng ta chia nhỏ vụn ra, xuất phát từ đề xuất của các tỉnh lên Chính phủ, Chính phủ đề xuất qua Quốc hội, Quốc hội thông qua. Tất cả do cả nể, “nuông chiều” các địa phương mà ra.

Giờ lại thêm một loại “tệ nạn” rất vô duyên xảy ra ở nhiều nơi là “Lễ ăn mừng ngày tái lập tỉnh” vô cùng tốn kém. Chúng ta đã biết, khi chia ra thì nhiều người mừng vì nhiều vị lên chức, có thêm “ghế” ngồi. Khi nhập lại thì nhiều người buồn vì mất ghế.

Đó là cấp tỉnh. Còn chia huyện, chia xã, chia phường và “nâng cấp” đô thị lên thành phố thì cũng không thống kê nổi. Điều dĩ nhiên là chi phí tốn kém đi theo cũng tương tự. Vô lý lắm mà chẳng ai chịu vạch ra.

Ngày xưa và ở các quốc gia khác, khi tỉnh lị dời về một làng nào đó thì các làng đó vẫn là làng. Làm gì có chuyện như chúng ta bây giờ, tỉnh lị dời về đâu là chỗ đó phải nâng lên “thành phố”.  

Đây thực sự là “hội chứng lên đời” không chỉ ở các tỉnh thành trong cả nước mà còn lan nhiễm qua các ngành dọc. Ở các bộ ngành thường có các trường đào tạo giờ bỗng nhiên ào ào nâng lên thành “học viện”. Hãy thử kiểm tra xem các học viện này về hiệu quả có khác chi các trường không? Điều rõ ràng nhất là nhân sự tăng, chức vụ tăng và chi phí tăng!

{keywords}
Đổi mới phải liên tục hàng ngày, hàng giờ, không được đứng một chỗ. Ảnh minh họa

“Đổi mới hay là chết”

Những chia sẻ, trăn trở và bức xúc của các nhà lãnh đạo, của dư luận xã hội đã được mổ xẻ, phân tích. Vấn đề là bây giờ phải quyết tâm thực hiện cho bằng được việc tinh giản mà hơn 30 năm qua chưa làm được. Song không thể bằng duy ý chí. Theo bà, phải bắt đầu từ đâu?

Chúng ta có sự lãnh đạo của Đảng, thực tiễn bao năm qua đã cho chúng ta câu nói bất hủ: “Đổi mới hay là chết!”. Đảng luôn có chủ trương và thực hiện điều này để luôn có sáng tạo - Đổi mới – thức tỉnh sớm. Tuy nhiên, chúng ta chưa nêu gương và duy trì đúng mức được tinh thần đó. Bây giờ là lúc phải dựa vào tinh thần “Đổi mới hay là chết” để hành động.

Ta phải bắt đầu từ những quy định, cơ chế chưa hợp lý. Chế độ làm chủ tập thể của chúng ta hiện nay là cá nhân phụ trách, song khi tốt thì cá nhân nhận, khi xấu khi sai thì đổ qua tập thể, thế là hòa cả làng! Phải thay đổi cung cách lãnh đạo này, đúng sai thì cá nhân người phụ trách đều phải chịu trách nhiệm.

Công tác cán bộ là của Đảng, Đảng phải điều hành thông qua Hiến pháp, pháp luật. Ai có tài có đức thì dùng, ai chưa đạt thì đào tạo, rèn luyện, vẫn không được thì mời ra chỗ khác, để người cò tài có đức vào làm. Dứt khoát phải lấy khả năng làm việc làm thước đó. Cán bộ nhà nước phải là người có đức, có tài, có trách nhiệm với dân với nước thì chúng ta mới thoát khỏi bóng dáng của “hội từ thiện khổng lồ” như trăn trở của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng hơn 30 năm về trước.

Còn nhiều tồn tại khác, tôi nghĩ Trung ương đã nhận ra, như Đảng có cơ quan gì thì Nhà nước có cơ quan đó, trên có gì, dưới có đó. Giờ phải nghiên cứu xem xét để làm gọn lại.

Trong công tác điều hành cũng nên nghiên cứu làm gọn lại các văn bản chỉ đạo, điều hành. Thú thật hiện nay các thông báo, kết luận, chỉ đạo quá nhiều khiến không ai đọc hết và nhớ hết nổi.

Tinh giản bộ máy cho khoa học cũng đồng nghĩa với sự điều hành khoa học, hợp lý, phải tách bạch cho ra cái đúng và cái sai, giảm và tiến tới loại bỏ căn bệnh hình thức rất phí phạm, tốn kém, “trên bảo dưới không nghe”. Tôi đơn cử như chỉ đạo của Chính phủ là cấm tặng hoa, thế nhưng xem tivi, đọc báo thấy lễ hội, hội họp gì cũng tặng hoa. Mỗi bó hoa đều tiền trăm, tiền triệu. Tiền ở đâu mà mua nhiều vậy? Từ ngân sách cả.

Chúng ta phải bắt đầu từ tinh thần “Đổi mới hay là chết” và bắt đầu từ những việc làm cụ thể, thiết thực như vậy!

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Duy Chiến thực hiện