Ngày 31/3/2017, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức OXFAM Việt Nam tổ chức Hội thảo Đổi mới cơ chế quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020: Cơ hội, thách thức và giải pháp, với mục tiêu để phục vụ cho việc đánh giá thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc Hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và triển khai cơ chế, chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

{keywords}
Toàn cảnh hội thảo.

Tham dự Hội thảo có ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TBXH); Bà Vũ Quỳnh Hoa, Trưởng Ban Vận động chính sách và chiến dịch của Tổ chức OXFAM, cùng đại diện của một số Bộ, ngành, Sở LĐ-TBXH các tỉnh thành, nhóm cộng đồng 2 tỉnh Hòa Bình, Nghệ An.

Phát biểu khai mạc, ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết: Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai chính sách đầu tư công, Quốc Hội và Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cơ chế chính sách giảm nghèo, thay vì chính sách cho không thì lấy người nghèo làm trọng tâm, làm động lực; trao quyền cho cộng đồng. Hiện nay, khung thể chế chính sách chương trình giảm nghèo đã cơ bản đầy đủ từ quản lý điều hành, tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách thực hiện được công khai, minh bạch, tiêu chí xác định đối tượng hộ nghèo, người nghèo rất rõ ràng. Tuy nhiên, khi đã có đầy đủ văn bản rồi nhưng có thực hiện được không, giữa văn bản chính sách và thực tế thực hiện còn khoảng cách. Do vậy, việc đưa cơ chế, chính sách vào cuộc sống bằng kinh nghiệm thực tiễn là rất cần thiết. Tại Hội thảo các đại biểu hãy cùng thảo luận, đối thoại đưa ra ý kiến, nghe ý kiến ở cộng đồng đang làm xem những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, không tạo sự ỷ nại của người dân, khuyến khích tính vươn lên của đối tượng.

{keywords}

Ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo giới thiệu một số điểm mới của Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Giới thiệu một số nội dung Chương trình MTQG nghèo giai đoạn 2016-2020, ông Ngô Trường Thi - Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết: Cách xác định đối tượng hộ nghèo theo Chương trình được chuyển từ đo lường nghèo dựa vào thu nhập sang đo lường nghèo đa chiều, nhằm đáp ứng mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, đồng thời thay đổi phương pháp xác định đối tượng từ điều tra thu nhập trực tiếp sang đánh giá các đặc điểm của hộ gia đình; tăng cường sự tham gia của người dân, phân cấp cho xã công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo. Chương trình đươc xây dựng theo hướng: Ban hành các tiêu chí xác định đối tượng, địa bàn; nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn trung hạn; thống nhất cơ chế tổ chức thực hiện; thống nhất bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình; ban hành khung giám sát, đánh giá chương trình.

Đặc biệt, Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 hướng tới một số điểm mới như: Tập trung vào địa bàn khó khăn nhất, vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi; Tích hợp các chương trình, dự án trước đây như: CT30a, 135, XKLD, Thông tin truyền thông; Thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều, lấy chỉ tiêu thu nhập là chính, bên cạnh đó cũng xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; gắn kết với thực hiện CTMTQG XDNTM và 21 Chương trình có mục tiêu; Thực hiện phân bổ vốn trung hạn, bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh phân cấp cho địa phương, cơ sở; Chương trình lấy đối tượng người nghèo làm trung tâm để thực hiện hỗ trợ, mở rộng thêm đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện để người lao động là người sau cai nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về.

Chương trình cũng chuyển mạnh từ việc cấp phát, cho không sang hỗ trợ có điều kiện để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nghèo. Nhà nước chỉ hỗ trợ những gì người dân không làm được, nhà nước không làm thay mà chỉ ban hành cơ chế hướng dẫn thực hiện. Tăng cường trao quyền cho người dân, cộng đồng để phát huy sáng kiến, cách làm hay phù hợp đặc điểm địa bàn, đặc điểm nhóm dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, đi đôi với trách nhiệm giải trình. Nguồn lực thực hiện Chương trình chủ yếu là từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng, điều này được thể hiện rõ trong cách thức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình. Về cơ chế, tổ chức bộ máy chỉ đạo điều hành thực hiện được thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện 2 Sở Lao động – TBXH tỉnh Đắk Nông và Quảng Trị chia sẻ về kết quả thực hiện cơ chế mới trong Chương trình MTQG giảm nghèo, những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện; Chia sẻ về các mô hình, sáng kiến giảm nghèo bền vững của các tổ, nhóm cộng đồng; đối thoại chính sách giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Hoàng Oanh