1.jpg.jpg

Từ tháng 1/2009 đến tháng 6/2010, Quỹ châu Á đã phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam và các cơ quan tại Việt Nam thực hiện dự án “Nâng cao năng lực cho hệ thống thư viện công cộng và điểm Bưu điện Văn hóa xã” tại 3 tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên và Trà Vinh. Đây là dự án do Quỹ châu Á thực hiện hỗ trợ và bổ sung cho dự án thí điểm “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ.

Trong khi Bộ TT&TT tập trung xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thông tin và đào tạo kiến thức cơ bản về sử dụng máy tính và Internet tại các điểm truy cập Internet công cộng, Quỹ châu Á tập trung nâng cao năng lực cho các thư viện và điểm BĐVHX để tạo môi trường thân thiện, tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng có ích Internet, giúp người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ thư viện, sử dụng máy tính, Internet miễn phí ở những điểm dự án chọn làm thí điểm.

Tập trung cải thiện phương pháp và tài liệu đào tạo

Dựa trên kết quả khảo sát thực trạng năng lực và dịch vụ ở thư viện công cộng, điểm BĐVHX, Thư viện quốc gia đã phối hợp cùng Quỹ châu Á xây dựng chương trình và nội dung đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức cho các cán bộ. Chương trình và nội dung tài liệu đào tạo cũng liên tục được điều chỉnh cho từng khóa đào tạo dựa trên các ý kiến phản hồi của giảng viên và học viên, góp phần cho sự thành công của chương trình đào tạo.

Dự án đã phát hành 500 cuốn tài liệu hướng dẫn cách tổ chức đào tạo và tập huấn liên quan đến kỹ năng phục vụ bạn đọc và khách hàng; 3.000 sách nhỏ “Tối đa hóa tiện ích của Internet” để phát cho các điểm của dự án sử dụng lâu dài; 20.000 tờ rơi (mỗi bộ 10 loại) hướng dẫn sử dụng Internet để khai thác các nội dung thông tin và những tiện ích cơ bản của Internet dùng phát trực tiếp cho người dân tại các điểm dự án hoặc các sự kiện như ngày hội Internet….

Sau 18 tháng thí điểm, Quỹ châu Á và Thư viện Quốc gia đã tổ chức 12 khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực phục vụ cho 225 cán bộ tại địa phương và các điểm dự án. Các học viên đều đánh giá mục tiêu, nội dung khóa học tốt, hữu ích. Cụ thể, 88,5% đến 96,2% học viên của 3 tỉnh cho rằng công tác đào tạo tốt. Báo cáo đánh giá tác động của Ban Quản lý dự án thí điểm “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng” cũng khẳng định các nhân viên BĐVHX rất thích được học lớp kỹ năng phục vụ do Quỹ châu Á tổ chức. Thậm chí, một số cán bộ còn nói “học xong lớp đó về cười với khách hàng nhiều hơn, bản thân mình cũng thấy thoải mái phấn khởi hơn với công việc đang làm”. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 3,8%-11,5% đánh giá ở mức trung bình. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng cần đào tạo thêm kỹ năng quản trị mạng và kỹ năng phần mềm cho các đơn vị thụ hưởng, vì cán bộ phụ trách tại các điểm của Dự án sẽ là người hướng dẫn cho người dân đến khai thác và sử dụng Internet đúng mục đích và hiệu quả.

Theo kết quả điều tra của Ban Quản lý dự án, sau khi có dịch vụ truy cập Internet công cộng đã có 76,2% khách hàng tới điểm BĐVHX và 73,1% bạn đọc đến thư viện để truy cập Internet, trước đây là 0% (do thư viện chưa có dịch vụ, còn điểm BĐVHX tuy có nhưng hầu hết không tồn tại). Ngoài ra, có đến 46,8% lượng khách hàng đến các điểm dự án trên là khách hàng mới.

Ông Dương Duy Tiến, lãnh đạo Thư viện tỉnh Nghệ An, cho rằng dự án này đã tạo môi trường thân thiện để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ. “Các thông tin hữu ích thiết thực với đời sống và sản xuất tại địa phương sẽ góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người dân”, ông Tiến nói. “Về lâu dài, những thông tin này sẽ giúp cải thiện đời sống của họ”.

1.jpg.jpg

Ngày hội Internet – cách truyền thông sống động

Ngoài các hoạt động đào tạo, Thư viện Quốc gia và Quỹ châu Á đã phối hợp với các thư viện tỉnh, huyện và điểm BĐVHX để tổ chức 3 ngày hội Internet cấp tỉnh và 45 ngày hội Internet cấp xã để giới thiệu, quảng bá cho việc sử dụng máy tính và truy cập Internet. Các sự kiện đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, đặc biệt có cả bà con dân tộc trên địa bàn 3 tỉnh. Trung bình mỗi ngày hội có khoảng 400-500 người tham dự.

Các ngày hội Internet được đánh giá đã mang đến phong cách truyền thông mới, sống động và đạt hiệu quả cao. Thông qua ngày hội, không những thông điệp của dự án “Máy tính và Internet làm giàu cuộc sống” được truyền tải một cách sâu rộng tới người dân, các hoạt động trong khuôn khổ ngày hội cũng đã giúp người dân, đặc biệt người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc và các em học sinh, sinh viên nghèo được tiếp cận với máy tính, được hướng dẫn sử dụng máy tính và truy cập Internet để hiểu thêm về lợi ích do CNTT-TT mang lại. Qua đó, người dùng đã khai thác nhiều thông tin để áp dụng trong phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao hiểu biết về mọi mặt… vươn tới làm giàu cho cuộc sống. Ngoài ra, việc mời các huyện, xã tham gia vào công tác tổ chức ngày hội Internet cũng tác động tích cực, giúp các cán bộ huyện, xã hiểu thêm về mục đích và lợi ích của dự án đem lại, từ đó hỗ trợ tích cực cho việc triển khai dự án đạt kết quả tốt.

Tuy vậy, hoạt động tuyên truyền vẫn còn một số hạn chế, như công tác truyền thông trước và sau khi tiếp nhận dự án còn chưa rộng khắp, chưa thường xuyên nên nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa chưa nắm bắt được thông tin. Đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, song lại chưa sử dụng Internet đúng mục đích, chủ yếu vẫn để chơi game.

Ngoài ra, khi tổ chức nên dựa vào một số đơn vị, tổ chức như trường học, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ để tuyên truyền trước cho ngày hội Internet và kêu gọi sự tham gia nhiệt tình từ phía trường, hội này. Việc phát huy việc chọn những gương điển hình “người thật việc thật” đã được biết đến ngay trong xã, huyện, tỉnh để giới thiệu trong ngày hội Internet sẽ đạt hiệu quả tuyên truyền cao hơn.

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số tháng 8/2010.