Tháng 2/2019, Việt Nam ghi nhận 2 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Đây cũng là thời điểm bắt đầu thảm họa dịch bệnh lịch sử mà người chăn nuôi phải hứng chịu. DTLCP xuất hiện và tồn tại suốt một thế kỷ qua, khiến cả thế giới khiếp sợ vì lây lan nhanh, qua nhiều con đường nhưng vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị. Lợn bị nhiễm virus DTLCP sẽ chết 100%. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khi còn đương nhiệm phải thừa nhận, chưa có dịch bệnh nào lại gây ra tác hại lớn, gây khó khăn vất vả trong quá tình ứng phó như DTLCP. Chốt kiểm dịch thú y được dựng lên khắp các ngả đường. Chuồng trại, ngõ xóm ở các vùng quê phủ một màu vôi bột trắng xóa. Thủ tướng Chính phủ ra công điện chỉ đạochống bệnh DTLCP phải “như chống giặc”.

Vậy nhưng, sau 7 tháng kể từ ngày xuất hiện ổ dịch đầu tiên, tháng 9/2019, DTLCP vẫn lây lan ra khắp 63 tỉnh, thành cả nước. Ở giai đoạn đỉnh điểm tháng 4 và tháng 5/2019, lợn chết như ngả rạ, đến mức một số địa phương phải than “không còn quỹ đất để chôn”. Bấy giờ, lãnh đạo Bộ mất ăn mất ngủ, lãnh đạo tỉnh phát sốt do ngân sách hỗ trợ cho việc tiêu hủy lớn chưa từng có.

Số liệu thống kê từ Bộ NN-PTNT cho thấy, đến tháng 5/2020, có khoảng 6 triệu con lợn buộc phải tiêu huỷ vì DTLCP, gây thiệt hại kinh tế gần 12.000 tỷ đồng. Chưa kể, công tác phòng, chống dịch bệnh cũng tiêu tốn khoảng 13.248 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đó chưa phải tất cả những gì người chăn nuôi lợn gánh chịu. Với những hộ may mắn không bị DLTCP “hỏi thăm” thì cũng lao đao vì giá. Bởi, trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh, dân hạn chế ăn, thịt lợn ngoài chợ ế ẩm. Hậu quả, lợn tới ngày xuất chuồng không bán được, giá chạm đáy, chỉ còn 25.000-28.000 đồng/kg. 

Ngành nông nghiệp phải kêu gọi người tiêu dùng đừng quay lưng với thịt lợn, cùng nhau hành động để duy trì ngành chăn nuôi bằng cách sử dụng thịt lợn và chung tay giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn. Dù vậy, các hộ dân nuôi lợn vẫn không thoát khỏi thua lỗ, phá sản. Có thời điểm, tại nhiều địa phương, chăn nuôi lợn gần như bị xoá sổ. Người nông dân kiệt sức.

Đến cuối năm 2019, dịch dần được kiểm soát nhưng hậu quả để lại nặng nề, khiến hàng triệu người tiêu dùng Việt rơi vào vòng xoáy của cơn “bão giá”. Khủng hoảng thiếu cung đẩy giá thịt lợn lên cao, phá vỡ mọi cột mốc kỷ lục trước đó.

Trước cơn sốt giá thịt lợn chưa từng có, cuối tháng 11/2019, người đứng đầu ngành Nông nghiệp phải tổ chức họp khẩn với các địa phương, các doanh nghiệp chăn nuôi đầu ngành tìm cách bình ổn giá thịt lợn, bàn giải pháp tăng nguồn cung ra thị trường khi đến mùa Tết. 

Thiếu hụt cung đẩy giá lợn hơi tháng 8/2019-2/2020 từ 42.000 đồng/kg vọt tăng lên mức 90.000 đồng/kg. Đỉnh điểm tháng 5/2020, thị trường ghi nhận giá thịt lợn hơi chạm mốc 100.000 đồng/kg - mức cao nhất trong lịch sử. Mọi cam kết của doanh nghiệp về hạ giá thịt lợn đều bị phá bỏ. Tại chợ, giá thịt lợn bị đẩy lên 140.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại, còn ở các hệ thống siêu thị có loại còn được niêm yết 300.000 đồng/kg.
Theo thống kê, mỗi năm người Việt tiêu thụ 3,8 triệu tấn thịt lợn, chiếm 70% rổ thực phẩm. Bởi vậy, khi giá thịt lợn tăng đã ảnh hưởng đến túi tiền và bữa cơm của hàng chục triệu gia đình. 

Để hạ giá thịt lợn, Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương đẩy mạnh tái đàn, cho phép nhập khẩu thịt lợn đông lạnh từ Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan, Nga,… cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về giết mổ.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 141.140 tấn thịt lợn, tăng 382% so với năm 2019. Cùng với đó nhập khẩu 450.000 con lợn sống từ Thái Lan.

Cuối năm 2020, giá lợn hạ nhiệt và đến nay, mặt hàng này đã thiết lập một bằng mới, neo ở mức cao. Nguyên nhân chính do dịch tả lợn châu Phi. 

Hơn 3 năm khi nhắc tới dịch tả lợn châu Phi, người chăn nuôi vẫn không khỏi rùng mình khiếp sợ, còn người tiêu dùng chưa thể thoát khỏi nỗi lo cơn “bão giá” thịt lợn.

Song, Việt Nam vừa công bố sản xuất thành công vắc xin dịch tả lợn châu Phi có tên thương mại NAVET-ASFVAC. Người nông dân từ nay có thể thở phào nhẹ nhõm, yên tâm chăn nuôi lợn. 

“Đây là niềm tự hào của chúng ta. Trên thế giới đã có hơn 4.000 công trình nghiên cứu liên quan đến virus DTLCP và phát triển vắc xin của các nhà khoa học được công bố, tuy nhiên, chưa có vắc xin thương mại phòng bệnh DTLCP. Việt Nam là quốc gia đầu tiên sản xuất thành công vắc xin phòng dịch bệnh này”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Thông tin rõ hơn về quá trình nghiên cứu vắc xin DTLCP, ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngay từ khi ổ dịch đầu tiên xuất hiện ở nước ta, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khi đó khẳng định, cùng với các biện pháp phòng chống dịch, vắc xin chính là then chốt, phải nghiên cứu và sản xuất bằng được. Có như vậy chúng ta mới thoát khỏi thảm họa dịch bệnh lịch sử này.

Vậy nên, dù dịch bệnh đã qua đỉnh, nhưng quá trình nghiên cứu và sản xuất vắc xin vẫn chưa bao giờ gián đoạn. Doanh nghiệp và cơ quan chức năng của Bộ bắt tay, hỗ trợ nhau hết sưc có thể.

Ông kể, đầu tháng 11/2019 các nhà khoa học của Mỹ đã công bố nghiên cứu thành công chủng virus DTLCP nhược độc, được cắt bỏ đoạn gen ASF-G-Delta I177L. Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất văc xin phòng DTLCP. Ngay lập tức, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cử lãnh đạo Cục Thú y sang Mỹ gặp trực tiếp với các chuyên gia nước này để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vắc xin.

Tháng 2/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin chính thức được thực hiện, cùng sự phối hợp của các chuyên gia Mỹ. Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASF-G-Delta I177L từ Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 9/2020, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu. 

Trải qua 5 lần thử nghiệm, kết quả 100% số lợn tiêm vắc xin được bảo hộ khi công cường độc trong phòng thí nghiệm. Còn trong điều kiện sản xuất, đã bảo hộ được trên 80% số lợn được tiêm vắc xin khi công cường độc với chủng virus gây bệnh DTLCP tại Việt Nam. Độ dài miễn dịch của vắc xin kéo dài 6 tháng sau tiêm phòng. 

Bộ NN-PTNT đã thành lập các Hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vắc xin thú y để nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin DTLCP NAVET-ASFVAC. 

Theo đó, vắc xin DTLCP NAVET-ASFVAC đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để được cấp Giấy chứng nhận lưu hành thương mại theo đúng quy định của Luật Thú y và các quy định hiện hành.

"Như vậy, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vắc xin thương mại phòng bệnh DTLCP, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng, góp phần bảo vệ an toàn cho chăn nuôi, sản xuất lợn thịt", ông Long khẳng định.

Các quốc gia trên thế giới đã thiệt hại hàng trăm tỷ USD vì DTLCP. Tại Việt Nam, con số thiệt hại ước tính đến nay khoảng 30.000 tỷ đồng. 
Chăn nuôi lợn - ngành hàng có giá trị 10 tỷ USD, là kế sinh nhai của hàng triệu hộ nông dân, tác động trực tiếp đến bữa ăn của hàng chục triệu hộ gia đình - nên theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc sản xuất thành công vắc xin phòng DTLCP mang ý nghĩa lịch sử.

Có vắc xin sẽ giúp hàng triệu hộ nông dân yên tâm chăn nuôi. Chưa kể, các doanh nghiệp đang có xu hướng đầu tư lớn vào ngành chăn nuôi lợn tạo thành chuỗi sản xuất bền vững, đảm bảo nguôn cung thịt lợn cho thị trường nội địa với giá cả hợp lý. Đặc biệt, vắc xin DTLCP sẽ thành công cụ để đàm phán tiến tới xuất khẩu thịt lợn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh xuyên quốc gia, bệnh truyền lây qua biên giới, bệnh mới nổi,... xâm nhiễm là khó tránh khỏi, do đó, thành công này chính là bài học kinh nghiệm về việc chủ động hội nhập quốc tế, hợp tác chặt chẽ, có hiệu quả với các nhà khoa học thế giới, với sự đồng hành của nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp để làm chủ khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất vắc xin. Đây là vấn đề cốt lõi, lâu dài, giúp chúng ta chủ động ứng phó với các sự cố dịch bệnh khác trong tương lai.

Rất nhiều quốc gia, hay tin Việt Nam sản xuất thành công vắc xin DTLCP, đã gửi thư ngỏ ý đặt mua. Chúng ta hoàn toàn tự tin sản xuất vắc xin này, đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm.

Hiện bệnh DTLCP vẫn xảy ra tại nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi toàn cầu chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vắc xin thương mại. Vì vậy, dư địa xuất khẩu vắc xin DTLCP “made in Vietnam” sang các nước là rất lớn, Thứ trưởng Tiến nhìn nhận.

Tâm An

Thiết kế: Luyện Phạm