Đồng USD vừa trải qua một năm chẳng mấy tốt đẹp. Sau khi tăng nhẹ trong quý đầu năm 2020, đồng bạc xanh đã vội vã quay đầu giảm mạnh khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan sang Mỹ, buộc nước này phải khẩn cấp triển khai các biện pháp kích thích tiền tệ, tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch. Bên cạnh gói cứu trợ trị giá 3 nghìn tỷ USD của Chính phủ Mỹ, FED cũng đã hai lần cắt giảm lãi suất bất thường, đưa lãi suất về sát 0% và tái khởi động lại chương trình mua tài sản với quy mô không hạn chế. Tất cả những điều đó buộc cỗ máy in tiền của Mỹ hoạt động hết công suất, đẩy đồng USD mất gần 7% giá trị trong năm qua, rơi xuống thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Bước sang năm 2021, mặc dù đồng bạc xanh đã phục hồi được 1,3% giá trị, song theo giới chuyên gia, việc tiếp tục bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế sẽ tiếp tục "ám quẻ" đồng tiền này trong năm nay. "Chúng tôi dự báo đồng USD sẽ mất giá thêm từ 5-10% trong năm 2021 do FED tạo điều kiện để nền kinh tế tăng nóng", Carsten Brzeski - chuyên gia kinh tế trưởng của ING nhận định.

{keywords}
 

Lẽ đương nhiên, sự giảm giá của đồng USD là cơ hội giúp các đồng tiền khác, đặc biệt là các đồng tiền ở khu vực châu Á, trong đó có VND mạnh lên . Tính chung trong năm qua, tỷ giá trung tâm giảm 30 đồng xuống còn 23.125 đồng/USD, tương đương giảm 0,13%. Trong khi giá bán ra đồng bạc xanh của các nhà băng giảm tới 40 đồng xuống còn 23.190 đồng/USD, tương đương giảm 0,17%.

Triển vọng u ám của đồng USD sẽ tiếp tục là một trong những yếu tố hỗ trợ cho VND trong năm nay. Nhưng ngay cả khi đồng bạc xanh phục hồi nhẹ, thì tỷ giá trong nước vẫn được dự báo sẽ tiếp tục ổn định. Bởi bên cạnh tác động từ thị trường bên ngoại, giá của đồng USD trong nước cũng tuân theo quy luật cung - cầu như bao loại hàng hóa khác.

Xét ở phía cung, nguồn cung ngoại tệ trong nền kinh tế được dự báo sẽ tiếp tục dồi dào nhờ xuất khẩu, đầu tư nước ngoài. Theo đó, xuất khẩu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh khi kinh tế toàn cầu phục hồi, cộng thêm lực đẩy từ những hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam vừa ký kết và bắt đầu có hiệu lực trong năm qua như EVFTA, RCEP hay UKVFTA… bên cạnh các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đang là thành viên như CPTPP.

Những Hiệp định thương mại tự do này cũng sẽ là hấp lực hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Ngoài ra còn dòng kiều hối vẫn chảy về nước đều đặn hàng năm, rồi còn nguồn giải ngân vốn ODA... Những nguồn cung này dư sức đáp ứng cho nhu cầu trong nước và tiếp tục có tích lũy ngoại tệ cho nền kinh tế.

Ngoài ra việc Mỹ gắn mác "thao túng tiền tệ" đối với Việt Nam cũng khiến NHNN sẽ thận trọng hơn với quyết định mua vào ngoại tệ của mình. Trên thực tế, từ cuối năm ngoái, nhà điều hành đã bỏ việc mua ngoại tệ giao ngay và chuyển sang mua kỳ hạn.

Cũng chính bởi vậy, nếu như tỷ giá tăng luôn là nỗi lo thường trực của nhiều doanh nghiệp trong nhiều năm trước, đặc biệt là những tháng cận Tết Nguyên đán, thì nay, nỗi lo đó đã không còn, thậm chí nó còn "đảo chiều" thành nỗi lo VND lên giá.

{keywords}
 

Quả vậy, xét về mặt lý thuyết, việc đồng nội tệ tăng giá có thể ảnh hưởng bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của một quốc gia do giá hàng hóa quy đổi ra USD trở nên đắt hơn, từ đó làm giảm sức cạnh tranh trên trường quốc tế. Trong khi đó nó lại khuyến khích nhập khẩu khi mà giá hàng nhập khẩu quy đổi ra đồng nội tệ trở nên rẻ hơn, từ đó kích thích tiêu dùng hàng ngoại nhập.

Tuy nhiên, nỗi lo này đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong nước hiện nay là không lớn. Nguyên nhân do hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên khi VND tăng giá sẽ khiến giá nguyên phụ liệu nhập khẩu rẻ hơn. VND tăng giá cũng làm giảm nhẹ gánh nặng nợ vay ngoại tệ, giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Tất cả những điều đó giúp doanh nghiệp có thêm điều kiện hạ giá thành sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chưa kể, hiện không phải một mình VND tăng giá mà đồng tiền của các đối thủ thương mại khác cũng đang trên đà tăng giá mạnh so với USD. So sánh một cách tương quan thì VND tăng giá so với USD không hề làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước so với các nước đối thủ.

Hiện không phải một mình VND tăng giá mà đồng tiền của các đối thủ thương mại khác cũng đang trên đà tăng giá mạnh so với USD.

Trong khi đó, đồng nội tệ tăng giá cũng giúp giảm gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ; giảm áp lực nhập khẩu lạm phát, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ vô và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. VND tăng giá cũng làm giảm cáo buộc " thao túng tiền tệ " của Mỹ đối với Việt Nam.

Nói như vậy để thấy, việc VND lên giá nếu có tác động tới hoạt động của doanh nghiệp cũng chỉ là rất nhỏ, trong khi lợi ích với nền kinh tế lại là khá lớn. Còn với nhà đầu tư, rõ ràng nắm giữ ngoại tệ là một lựa chọn không mấy sáng suốt. Bởi theo như TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng, đầu tư ngoại tệ sẽ là kênh kém hấp dẫn nhất trong năm nay.

(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)