Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, lượng khách du lịch tại Hà Nội sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong tháng 2, Hà Nội chỉ có 1,3 triệu khách du lịch, giảm 45,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tạo ra ảnh hưởng sụt giảm doanh thu không hề nhỏ cho các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, lữ hành và dịch vụ du lịch. Trên các tuyến phố Hàng Bạc, Gia Ngư, Lương Ngọc Quyến, Lò Sũ... những tấm biển giảm "sốc" giá phòng xuất hiện ngày càng nhiều ở mặt tiền, sảnh hay cửa ra vào của các khách sạn.
Trong đó, mức giảm giá thuê phòng cao nhất là từ 50 -60%, đưa giá phòng thuê phòng từ 1,5 triệu đồng xuống còn 500.000 - 600.000 đồng/đêm. Một số nơi quảng cáo phòng giá rẻ từ 10-15 USD (khoảng 232.000 - 348.000 đồng) để hút khách.
"Thông thường, các đợt giảm giá phòng chỉ kéo dài khoảng 1 tuần lễ, với tỉ lệ khoảng 10-15%, nhưng vì ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19, chúng tôi đã giảm giá thuê phòng hai tuần lễ rồi mà chưa thấy khả quan hơn", nhân viên quản lý của một khách sạn trên phố Gia Ngư cho hay.
Dù đã cắt giảm chi phí, nhân sự và tung nhiều chương trình ưu đãi giá phòng, nhưng vẫn có khách sạn phải đóng cửa vì vắng khách.
"Đây là khách sạn thứ 3 mà tôi đã phải đóng cửa trong tháng này. 20 năm trong nghề du lịch khách sạn, chưa bao giờ, tôi thấy tình cảnh bi đát thế này, kể cả từ dịch SARS năm 2003", chủ một khách sạn 3 sao trên phố Lò Sũ, Hoàn Kiếm cho biết.
Không chỉ khách sạn, hàng loạt công ty lữ hành trên phố cổ Hà Nội cũng lao đao khi lượng khách du lịch sụt giảm so với trước đây. Nhiều hành trình đi các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý hay Iran... đều bị hủy cho đến khi hết dịch Covid-19.
Tour trong nước cho các hành trình tới Hạ Long, Sapa, Ninh Bình - Tràng An.... giảm giá từ 30 - 40%. Đơn cử, giá tour Hà Nội- Sapa (3 ngày 2 đêm) giảm từ 3 triệu đồng xuống còn 1.9 triệu đồng/người.
Các khu phố sầm uất nhất về dịch vụ Massage cho khách du lịch như Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Buồm... cũng lâm vào tình trạng vắng khách.
"Áp lực lớn nhất là chi phí thuê mặt bằng, tiền thuê nhà ở khu vực này thì rẻ nhất cũng đã 40 triệu đồng/tháng, còn nếu diện tích rộng hơn thì khoảng 200 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí vận hành, lương nhân viên... cứ đà này thì trụ làm sao nổi", chủ cửa hàng massage chân trên phố Lương Ngọc Quyến than thở.
Đa phần các công ty, doanh nghiệp nhỏ đều đang cố gắng cầm cự trong đợt khó khăn chung của du lịch.
Dù đã có những dấu hiệu tích cực về việc kiểm dịch tại Việt Nam, nhưng theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ngành du lịch vẫn chịu tác động mạnh, ước tính con số thiệt hại sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD.
(Theo Báo Dân sinh)