Hải quân Mỹ triển khai một tàu tác chiến ven bờ trong chuyến tuần tra đầu tiên ở gần bãi ngầm mà TQ đang cải tạo trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của VN, đồng thời không quên sứ mệnh ở bầu trời phía trên vùng biển này.
Ảnh: smh |
Theo thông báo trên trang web của Hải quân Mỹ, tàu USS Fort Worth đi kèm cả một máy bay trinh sát không người lái và trực thăng Seahawk tuần tra không phận.
Giới phân tích cho rằng, hành động của tàu chiến nói trên cho thấy các khả năng của Mỹ ngay cả trong trường hợp Bắc Kinh tuyên bố một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong khu vực. Nhiều nhà phân tích và quan chức quân sự Mỹ đã dự báo về động thái này từ TQ.
ADIZ không được điều chỉnh bởi các điều ước chính thức hay quy định pháp luật, nhưng một số quốc gia vẫn sử dụng nó để mở rộng quyền kiểm soát bên ngoài biên giới, yêu cầu các máy bay quân sự và dân sự hoặc phải báo cáo nhận diện hoặc phải đối mặt với khả năng bị ngăn chặn quân sự.
TQ đã có hành động khiến cả khu vực và Mỹ, Nhật lo ngại khi tuyên bố lập ADIZ ở Hoa Đông, ngay không phận trên quần đảo tranh chấp với Nhật vào cuối năm 2013.
Thách thức ADIZ
Theo một chỉ huy quân sự Mỹ giấu tên, nhiều cơ sở quân sự TQ hiện đang được xây dựng ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa bao gồm hệ thống radar cảnh báo sớm và đường băng 3.000m có thể đi vào hoạt động cuối năm nay. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy TQ tiến hành cải tạo ở Đá Subi.
Washington ngày càng lo lắng về việc TQ có thể áp đặt khu vực hạn chế trên không và trên biển ở Trường Sa khi hoàn tất công việc cải tạo tại 7 bãi đá ngầm, biến chúng thành các đảo nhân tạo.
TQ đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết Biển Đông bất chấp nhiều nước khác ở châu Á có chủ quyền trong vùng biển này gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Mới đây, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố có quyền thành lập ADIZ ở Biển Đông.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích quân sự cho rằng, lập một ADIZ không phải là điều dễ dàng ngay cả khi TQ có tới 2 đường băng phục vụ máy bay quân sự tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quần đảo nằm cách đất liền TQ hơn 1.100km nên những căn cứ không quân được trang bị tốt của TQ nằm ở ven biển cũng ở ngoài tầm với.
"Ngay cả với các đảo nhân tạo mới, TQ cũng khó thực thi nhiệm vụ thường xuyên ở khu vực xa như vậy", Richard Bitzinger, nhà phân tích an ninh khu vực tại Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore cho biết.
Các máy bay quân sự Mỹ và Nhật Bản, cùng với hai hãng chuyên chở chính của Nhật là ANA Holdings và Japan Airlines đã không đếm xỉa gì tới ADIZ mà TQ đơn phương lập ở Hoa Đông. Một báo cáo của cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ đầu năm nay nhấn mạnh rằng, máy bay TQ không có khả năng duy trì sự hiện diện liên tục ở Hoa Đông.
Nguy cơ đụng độ
Biển Đông lại càng phức tạp và khó khăn hơn khi TQ muốn thể hiện sức mạnh bởi sự tranh chấp chủ quyền với nhiều nước, và khả năng bị thách thức từ Hải quân, Không quân Mỹ.
Thực tế là tuần trước, Lầu Năm
Góc cân nhắc việc điều động máy bay quân sự và tàu chiến nhằm khẳng định tự
do hàng hải ở quanh khu vực TQ đang cải tạo trái phép thuộc quần đảo Trường Sa
của Việt Nam.
Tuyên bố của Hải quân Mỹ rằng, tàu USS Fort Worth - có thể săn ngầm và hỗ trợ tàu đổ bộ - đã "chạm trán với các tàu chiến TQ" trong suốt sứ mệnh tuần tra Biển Đông.
Thái An (Theo Reuters)