Trong một bài xã luận mới đăng tải trên báo Telegraph, ông Hunt viết: "Liên minh phương Tây, chủ yếu do Mỹ và Anh gây dựng, đang đối mặt với những rạn nứt lớn chưa từng có. Vụ giết Thiếu tướng Qassem Soleimani (lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran) hồi tuần trước đã bộc lộ những rạn nứt sâu trong cách tiếp cận của chúng ta với Tehran từ lúc Tổng thống (Mỹ) Donald Trump quyết định xé bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran".
Bức ảnh chụp tháng 6/2018, do Văn phòng báo chí chính phủ Đức công bố cho thấy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ngồi ở ghế đối diện trong lúc nhiều lãnh đạo thế giới khác đứng xung quanh tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Quebec, Canada. Ảnh: AP |
Tướng Soleiman, vị tư lệnh chiến trường quyền lực nhất của Iran, đã thiệt mạng trong một vụ không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ trên đất Iraq hôm 3/1. Dù chính quyền Trump coi việc trừ khử ông Soleiman là hành động tự vệ, nhằm "ngăn chặn những cuộc tấn công vào các tài sản và công dân Mỹ trong tương lai", nhưng sự cố gây tranh cãi lớn và làm đảo lộn hiện trạng khu vực. Quốc hội Iraq đã thông qua một nghị quyết buộc chính phủ phải trục xuất lính Mỹ khỏi nước này, trong khi giới chức Iran "thề" sẽ giáng đòn trả thù thảm khốc nhắm vào Mỹ.
Lãnh đạo Nhà Trắng đáp trả bằng cách đe dọa sẽ tập kích nhiều địa điểm hơn của Iran, kể cả những nơi có giá trị quan trọng đối với nền văn hóa của quốc gia Hồi giáo, nếu Tehran ra tay. Cả Anh, Đức và Pháp dường như không biết trước về cuộc không kích sát hại tướng Iran và cũng không lên tiếng ủng hộ phát biểu đe dọa của ông Trump. Họ yêu cầu cả Iran và Mỹ kiềm chế cũng như giảm leo thang căng thẳng.
Mặc dù không trực tiếp đánh giá các hành động của Washington, nhưng cựu Ngoại trưởng Anh tin, chính các nước châu Âu đã không làm tròn nghĩa vụ liên minh với Mỹ. Ông Hunt trích dẫn lập luận lâu nay của Tổng thống Trump về việc các nước thành viên châu Âu chi tiêu quá ít cho các hoạt động của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như nguyên nhân khiến họ bị "cho ra rìa" trong các cuộc thảo luận về những quyết định thay đổi cục diện.
Tháng trước, ông Trump đã cắt giảm đóng góp của Mỹ cho ngân sách NATO để thúc ép các đồng minh phải chi ra nhiều hơn.
"Rốt cuộc, vấn đề là tiền. Nếu chúng ta không sẵn sàng móc hầu bao, chúng ta không nên ngạc nhiên về việc chúng ta sẽ không được tham vấn trước những quyết định lớn như việc trừ khử tướng Soleimani. Chúng ta cũng không nên ngạc nhiên nếu liên minh phương Tây đang bắt đầu dần dần rạn vỡ khi sự phẫn nộ tích tụ", ông Hunt giải thích.
Ông Hunt đề xuất, để thế giới không bị các siêu cường phân chia thành các vùng ảnh hưởng, Anh cần phải "cư xử như một đồng minh thực sự của nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới, chia sẻ gánh nặng trong các vấn đề toàn cầu thông qua những gì chúng ta mang tới". Điều đó đồng nghĩa, Anh cần phải "đóng góp phù hợp" cho hòa bình và an ninh của thế giới bằng cách hậu thuẫn các lực lượng vũ trang, chứng minh là một nước đáng tin cậy bên ngoài EU cũng như thuyết phục "những người bạn EU" làm điều tương tự.
Tuấn Anh