LTS: Hôm nay (18/5) sẽ là một ngày đặc biệt! Việc mua vắc-xin phòng Covid-19 của công ty Pfizer (hãng dược phẩm đã phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 được cấp phép đầu tiên ở Mỹ cùng BioNTech, Đức - PV) sẽ được Chính phủ quyết định.
 
Việc đàm phán không dễ dàng - như Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã báo cáo hôm qua tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ rằng, công ty Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và yêu cầu chúng ta phải trả lời chậm nhất trong ngày 18/5.
 
Làm sao Việt Nam có đủ vắc-xin nhanh nhất cho hơn 96 triệu dân? Đó là thương vụ lớn nhất, đáng suy tính nhất của Chính phủ và cả nước vào lúc này.
 
Dưới đây là góc nhìn và kiến giải của TS Kinh tế Nguyễn Quốc Toàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn giáo dục EQuest Group) đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân.
 
Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu tới quý độc giả:
 
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã trực tiếp gọi điện cho CEO của Pfizer 30 lần để đặt mua vắc-xin.
 
Gần một năm trước, ông gọi cho CEO hãng sản xuất vắc-xin liên tục, có những cuộc trao đổi lúc 3 giờ sáng. Ngoài việc cam kết mua hàng với giá cao, ông còn đồng ý chia sẻ với Pfizer dữ liệu y tế và tác động của vắc-xin lên người dân Israel, dành cho hãng cơ hội hiếm có thử nghiệm vắc-xin trên quy mô một quốc gia.
  
Nhờ nỗ lực không ngừng, Israel được Pfizer ưu tiên đặc biệt trong việc cung cấp vắc-xin và đang là nước có chương trình tiêm chủng hiệu quả nhất thế giới. Chính phủ thậm chí mở trạm tiêm chủng ở các quầy bar, người đến tiêm được tặng đồ uống miễn phí.
 
Đất nước này tuyên bố mở cửa lại nền kinh tế hôm 21/2. Tuần này, khi chiến dịch tiêm chủng đã tiếp cận hơn 62% dân số, người Israel đã ra ngoài đường, tiệc tùng, tắm nắng hay ôm hôn nhau mà không cần khẩu trang.
 
Là một công ty trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam, khi quay trở lại công việc sau kỳ nghỉ lễ, tôi và cộng sự hiểu rằng doanh nghiệp mình sẽ tiếp tục những ngày mất doanh thu hàng tỷ đồng.
 
Trong chiến tranh, có những giai đoạn mà ban ngày, bố mẹ tôi xuống hầm tránh bom, ban đêm tiếp tục tăng gia sản xuất. Hơn 40 năm sau, giữa thời bình, vì Covid-19, tôi đã thực sự hiểu “chiến tranh” là gì.
 
Cứ mỗi đợt dịch mới, các chương trình quản trị rủi ro lại được doanh nghiệp chúng tôi kích hoạt để cố gắng giảm thiểu thiệt hại. Chúng tôi khó khăn nhiều sau 4 làn sóng bùng dịch, nhưng không còn bối rối hay hoảng loạn, cũng không thể trách cứ hay đổ lỗi.
 
Nhưng tôi biết, không chỉ chúng tôi, nhiều doanh nghiệp khác đã ngấm mệt. Chưa bao giờ ao ước “thời bình” lại mãnh liệt như lúc này. Tôi mong được như người Israel, có thể quay trở lại nhịp sống bình thường, phát triển những kế hoạch kinh doanh dang dở.
 
Làm sao Việt Nam có đủ vắc-xin nhanh nhất cho hơn 96 triệu dân? Đó là thương vụ lớn nhất, đáng suy tính nhất của Chính phủ và cả nước vào lúc này.
 
Chúng ta đã chiến thắng trong vài trận đánh, nhưng điều đó chưa có nghĩa sẽ thắng trong cả cuộc chiến cam go với đại dịch. Tất cả chúng ta đều không mong một ngày, khi nhiều nước trong khu vực và thế giới đã hoàn tất chương trình tiêm chủng mà Việt Nam vẫn chưa mua đủ và chưa sản xuất được vắc-xin cho dân chúng. Sẽ chẳng ai vui khi nghĩ về viễn cảnh thế giới đã tái bình thường mà Việt Nam có thể chưa.

{keywords}
Số liệu thống kê về tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại các nước Đông Nam Á. Ảnh: Our Word in data

Sự thật, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp nhất Đông Nam Á. Cho đến tuần trước, Campuchia đã tiêm cho 10,28% dân số, trên 16,72 triệu dân. Indonesia đã tiêm 5% trên 272,53 triệu dân. Singapore có hơn 23% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi. Thái Lan mới tiêm chủng được 1,82% dân số trên 70 triệu dân, nhưng tháng 6 này, 4-6 triệu liều vắc-xin sẽ về đến Thái theo cam kết.
 
Đó là chưa nói đến Mỹ và châu Âu. Đã có 45% dân số Mỹ được tiêm vắc-xin. Ở Anh là 51%. Ngày 9/5, số ca Covid-19 tử vong tại Anh giảm gần về 0. Trong khi đó, Việt Nam chúng ta mới chỉ tiêm được chưa đầy 1% dân số.
 
Không thể phủ nhận những gì Việt Nam đã làm được thời gian qua. Nhờ chính sách quyết liệt và khả năng truy vết không quốc gia nào làm được, chúng ta có quyền tự hào và biết ơn các hành động của Chính phủ, của Đảng và sự đoàn kết của cả nước.
 
Nhưng, xin đừng vội lạc quan. Vì với chiều dài của đường biên và tình thế hiện tại, Việt Nam không thể cứ mãi truy vết, phong tỏa, tạm dừng kinh doanh hay đóng cửa thông thương. Vắc-xin là vũ khí duy nhất trong cuộc chiến lịch sử này.
 
Đừng chờ đợi món quà từ trên trời rơi xuống
 
Tôi cho rằng Việt Nam không thể hy vọng vào các món quà từ trên trời rơi xuống. Chương trình hỗ trợ vắc-xin của WHO còn những ưu tiên khác nên chúng ta  không thể trông chờ. Cũng khó mà chờ đợi Mỹ, dù Mỹ hứa cung cấp 60 triệu liều vắc-xin cho thế giới, nhưng mấy nghìn liều trong đó có thể đến Việt Nam khi mà 6 tỷ người trên thế giới đều đang cần? 

{keywords}
TS kinh tế Nguyễn Quốc Toàn

Càng không thể hy vọng vào các mối quan hệ chiến lược với bất cứ quốc gia nào, vì trong tình trạng khẩn cấp này, nước nào cũng sẽ lôi “quan hệ chiến lược” ra để tranh thủ được nguồn cung vắc-xin càng sớm, càng nhiều càng tốt.
 
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ bản quyền vắc-xin tạm thời, nhiều người phấn khích khi nghĩ đến viễn cảnh các nước nghèo có thể tự sản xuất vắc-xin nhờ được chia sẻ công nghệ. Nhưng khoan đã!
 
CEO của Moderna (công ty công nghệ sinh học của Mỹ - PV), Stéphane Bancel, cho hay, ông không mảy may lo lắng về tuyên bố của ông Biden, vì kể cả không được bảo hộ bản quyền, việc tự sản xuất vắc-xin không hề dễ dàng.

Sản xuất vắc-xin không chỉ là câu chuyện bản quyền mà vấn đề lớn nằm ở nguyên liệu, chuỗi cung ứng, nhà máy sản xuất, các kho lưu trữ, đào tạo đội ngũ nắm công nghệ mRNA. Sau đó còn phải vượt qua khâu kiểm định rồi mới dám hy vọng vắc-xin đến được tay người dân. Để làm được việc này, các nước phát triển với hàng núi tiền cũng phải mất 12-18 tháng.
 
Việt Nam do vậy chưa thể trông đợi nhiều vào vắc-xin trong nước tự sản xuất, vì có thể tiến trình này phải kéo dài tới 2-3 năm. Nên cuối cùng, để tránh nguy cơ có thể trở thành ốc đảo trong viễn cảnh đại dịch, Việt Nam phải làm tất cả để ký được các hợp đồng mua vắc-xin ngay bây giờ. 
 
Tình thế đặc biệt đòi hỏi giải pháp đặc biệt
 
Đầu tiên, ở cấp quốc gia, theo thông lệ, những quyết định mang tầm quốc gia như việc mua vắc-xin nào, số lượng bao nhiêu phải được sự thông qua của Bộ Chính trị, Chính phủ, ngân sách mua vắc-xin phải thông qua Quốc hội với giá cả ra sao v.v… Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc quy trình ra quyết định sẽ rất lâu.
 
Thường vụ Quốc hội đã duyệt chi 12,1 nghìn tỷ đồng cho việc mua vắc-xin, nhưng ngân sách thực tế để mua 150 triệu liều cao hơn số này rất nhiều. Ở thời điểm toàn thế giới đang chạy đua vắc-xin, không có thời gian để chúng ta chờ được đàm phán với nước ngoài, rồi về báo cáo, rồi chờ đợi đủ các quy trình phê duyệt như thông thường.
 
Nếu Thủ tướng của chúng ta được trao quyền ra quyết định ngay lập tức, Việt Nam có thể sẽ nắm được cơ hội đang đi qua ngay trước mắt.
 
Để làm được việc này, Quốc hội phê duyệt một khoản ngân sách linh động cho việc mua vắc-xin trước, Chính phủ cấp phép trước cho các loại vắc-xin khác nhau - hiện mới chỉ có vắc-xin của AstraZeneca.

Tất cả sẵn sàng, chỉ để chốt ngay khi cần thiết. Bởi việc chốt hợp đồng mua có khi chỉ xảy ra trong vài tiếng đồng hồ, nếu chờ phê duyệt, chờ cấp phép, chờ thông qua, Việt Nam sẽ trao cơ hội đó vào tay nước khác.
 
Đội đặc nhiệm vắc-xin
 
Lập một “đội đặc nhiệm” chuyên trách việc đàm phán mua vắc-xin, được trực tiếp báo cáo lên Thủ tướng để đưa ra quyết định trong thời gian ngắn nhất, theo tôi là một cách hiệu quả cần triển khai ngay lập tức.

{keywords}
Sau 2 đợt tiêm từ ngày 8/3 đến nay, Việt Nam đã chích ngừa hơn 977.000 liều vắc-xin chống Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố

Thành phần của đội có thể gồm thành viên trong Chính phủ, những nhà ngoại giao xuất sắc, những người có quan hệ rộng và được tôn trọng tại những nước sản xuất vắc-xin, những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và uy tín quốc tế, các cá nhân có khả năng kết nối tốt ở tầm toàn cầu. Tôi tin rằng, bất cứ ai có năng lực đều sẵn sàng làm việc vì đất nước.
 
Vì thế, đừng để nỗi sợ cơ chế, quy trình khiến những người tiên phong dè dặt. Hãy cung cấp cho “đội đặc nhiệm vắc-xin” một “kim bài miễn tử” và “thượng phương bảo kiếm” để họ đi đàm phán lấy bằng được vắc-xin về cho đất nước.
 
Vì nếu như việc đàm phán bị trục trặc vì lý do “quy trình”, thì không chỉ các mối quan hệ, uy tín cá nhân và sự nghiệp của họ bị ảnh hưởng, mà uy tín quốc gia cũng sứt mẻ đi nhiều. Đây cũng là cơ hội để Chính phủ có sẵn sàng phá bỏ những rào cản quy trình hay không.
 
Sẽ có một ngàn lý do biện minh cho việc chậm trễ mua đủ vắc-xin. Nào là cơ chế không đủ mạnh, không đủ kho lạnh để trữ, vắc-xin của nước nào sản xuất, rồi chưa đủ thời gian kiểm duyệt, nào là chi phí tiêm sẽ rất tốn kém, nào là rủi ro bị lật lại vấn đề giá cả khi mua xong vắc-xin v.v…
 
Tất cả những vấn đề đó hoàn toàn có thể vượt qua với chi phí nhỏ hơn rất nhiều so với tổn thất sẽ xảy ra nếu một ngày Việt Nam trở thành “ốc đảo không vắc-xin”.
 
Hay cơ chế hợp tác công- tư (PPP)?
 
Để hỗ trợ “đội đặc nhiệm vắc-xin”, Việt Nam có thể kêu gọi các tập đoàn tư nhân lớn hoặc xây dựng cơ chế hợp tác công - tư (PPP). Chính phủ có thể uỷ quyền cho một hoặc nhiều tập đoàn kinh tế lớn cùng những tổ chức tư vấn và đội đặc nhiệm nói trên tham gia nhiệm vụ đặc biệt này.
 
Chỉ những tập đoàn lớn với nguồn tiền mặt dồi dào và quan hệ quốc tế mạnh mẽ, có uy tín trên thương trường mới đủ năng lực hỗ trợ đất nước. Với bản thân họ, tham gia tìm nguồn vắc-xin cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cộng với tiềm năng lợi nhuận. Lợi thế của doanh nghiệp là quyết liệt và rất nhanh trong việc ra quyết định. Tuy nhiên, vì những nhà sản xuất vắc-xin đều ưu tiên làm việc trực tiếp với các quốc gia nên doanh nghiệp vẫn cần “đội đặc nhiệm” và sự bảo lãnh mạnh mẽ của nhà nước.
 
Khi ta đã có thêm vắc-xin, có thể ưu tiên tiêm miễn phí cho bác sĩ, y tá, quân đội, công an, giáo viên, ưu tiên trợ giá hoặc miễn phí cho người nghèo - nhóm yếu thế và dễ tổn thương. Còn tầng lớp trung lưu và thượng lưu, hãy để họ tự trả tiền cho liều vắc-xin của mình để chia sẻ gánh nặng với đất nước.
 
Tôi cũng sẵn sàng mua vắc-xin cho gia đình và doanh nghiệp của mình. Chỉ cần 1/5 dân số tự mua vắc-xin, gánh nặng trên vai Chính phủ và cả nước sẽ vơi đi rất nhiều.
 
Người Israel hôm nay đang mua sắm, đi ăn nhà hàng, uống cà phê, nằm dài tắm nắng mà không còn phải lo lắng về Covid-19. Vì về cơ bản, đất nước họ đã đạt đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Đó là khao khát của toàn nhân loại trong gần 2 năm qua.
 
Chính phủ, doanh nghiệp lớn và các cá nhân có năng lực thực sự phải hành động ngay nếu không muốn Việt Nam trở thành người đi sau cùng trong đại dịch.
 
Chúng ta cần những người dám “mặt dày” gọi điện đến 30 lần hay hơn thế, dám “ăn chực nằm chờ” trước văn phòng các công ty dược lớn để mang bằng được vắc-xin về cho đất nước.
 
TS kinh tế Nguyễn Quốc Toàn (CEO của Tập đoàn giáo dục EQuest Group)

Vắc-xin ý thức

Vắc-xin ý thức

Chống dịch Covid-19, “nếu nói về kích hoạt cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến tỉnh, huyện thị, xã phường, thôn, tổ dân phố: ta là số1. Nếu nói về lòng dân: ta cũng số 1. Vậy chúng ta còn sợ gì?”