Việc thu phí tác quyền và chia sẻ doanh thu bài hát "Độ ta không độ nàng" đang gây tranh cãi. (Ảnh minh họa: Internet)

Từ đầu tháng 7, giới làm nội dung trên YouTube ngỡ ngàng khi Công ty Cổ phần Dịch vụ Bản quyền Việt Nam đột ngột tuyên bố, công ty này đã nhận được sự ủy quyền toàn quyền với ca khúc “Độ ta không độ nàng” ở Việt Nam từ chủ sở hữu ở Trung Quốc. Trong hợp đồng ủy quyền, công ty được toàn quyền quản lý, thu phí sử dụng bản nhạc tại Việt Nam. Không chỉ yêu cầu trả phí tác quyền, đơn vị sở hữu quyền bài hát “Độ ta không độ nàng” còn đưa ra mức chia sẻ 33% doanh thu từ sản phẩm chia sẻ trên YouTube hay các nền tảng chia sẻ nhạc khác.

Ngày 28/6/2019, công ty đã gửi văn bản tới YouTube và các trang chia sẻ nhạc thông báo rõ: Những ai muốn sử dụng, sao chép, phân phối bài hát này phải trả phí tác quyền là 5 triệu đồng cho một lần sao chép bản nhạc, bên cạnh đó khi chia sẻ bản nhạc trên các nền tảng như YouTube phải trả thêm 33% doanh thu thu được từ sản phẩm, nếu không chấp nhận mức phí này thì phải gỡ bỏ ca khúc trên YouTube.

Theo đại diện một nhà cung cấp dịch vụ đang quản lý nhiều kênh YouTube ở Việt Nam, việc thu phí chia sẻ doanh thu trên YouTube 33% là một mức phí quá cao, từ trước đến nay chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Phí tác quyền mà các nghệ sĩ phải trả cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm tác phẩm âm nhạc Việt Nam cũng không cao đến mức như vậy. Đồng thời, ở Việt Nam cũng chưa có đơn vị nào đưa ra cách ăn chia doanh thu kiểu này.

Anh Bùi Minh T, một nhà sáng tạo nội dung trên YouTube cho hay, mức phí 33% chia sẻ doanh thu có thể nói là khá cao, trước đây anh cũng chưa thấy một đơn vị nào đòi chia sẻ doanh thu theo mức này, việc mua bản quyền ca khúc sẽ theo hình thức trả tiền một lần “mua đứt bán đoạn”. Tuy nhiên, anh T cho rằng, khi đã mua quyền sở hữu bài hát thì muốn bán như thế nào là quyền của họ.

Trả lời câu hỏi của ICTnews về việc công ty sở hữu bản quyền “Độ ta không độ nàng” thu phí bản quyền như công bố ở trên có hợp lệ hay không? Luật sư Phan Vũ Tuấn, Văn phòng Luật Phan Law Việt Nam cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều K20 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại Khoản 1 Điều 20 và Khoản 3 Điều 19 của Luật này thì phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Do đó, nếu công ty Việt Nam nói trên có cơ sở chứng minh mình là chủ sở hữu quyền đối với bài hát “Độ ta không độ nàng” thì công ty này có quyền yêu cầu thu phí bản quyền đối với các trường hợp khai thác, sử dụng tác phẩm, bao gồm cả việc sao chép tác phẩm, làm tác phẩm phái sinh, truyền đạt tác phẩm tới công chúng …

Tuy nhiên, Luật sư Phan Vũ Tuấn cũng lưu ý, để đánh giá tính hợp lệ của yêu cầu này phải xem xét các yếu tố sau: Thứ nhất là thời điểm công ty Việt Nam bắt đầu được sở hữu bản quyền đối với bài hát. Thứ hai, công ty Việt Nam chỉ có quyền thu tiền bản quyền đối với những tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác, sử dụng tác phẩm diễn ra trong khoảng thời gian mà công ty Việt Nam được cấp phép quyền sở hữu quyền tác giả.

Đồng thời, xem xét xem các trường hợp khai thác, sử dụng có thuộc ngoại lệ hay không. Nếu việc sao chép, sử dụng thuộc vào một trong các ngoại lệ quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ thì cá nhân, tổ chức đã sử dụng đó không phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể mức nhuận bút, thù lao hay các lợi ích vật chất khác mà chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng là bao nhiêu. Do đó, mức phí này hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên (thỏa thuận chủ sở hữu quyền tác giả và cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng tác phẩm).

Bình luận về mức chia sẻ doanh thu 33% được một số ca sĩ cho là quá cao và chưa có tiền lệ về việc chia sẻ doanh thu trên YouTube như vậy, Luật Phan Vũ Tuấn cho rằng: "Đối với các giao dịch chuyển quyền sử dụng quyền tác giả hoặc chuyển nhượng quyền tác giả của một tác phẩm âm nhạc, bên cạnh việc tuân thủ các quy định về mặt hình thức hợp đồng, nội dung hợp đồng theo Điều 46, Điều 48 Luật Sở hữu trí tuệ thì các bên còn xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận theo quy định của pháp luật dân sự. Do đó, việc chia sẻ doanh thu là quyền của các bên nên chúng tôi khuyến khích các bên thực hiện việc chia sẻ này trên cơ sở hợp tác, thiện chí nhằm đảm bảo lợi ích của các bên".