Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Sóc Trăng năm 2023 ghi nhận ít nhất 1 vụ ngộ độc thực phẩm với 4 trường hợp mắc, trong đó, 1 trường hợp tử vong do ăn cá nóc có chứa độc tố tự nhiên.

Tại Ninh Thuận, hồi tháng 9, sau khi bắt cá nóc chế biến thành món nhậu, 3 người dân đều có các triệu chứng tê môi, lưỡi, tay, chân, mệt, chóng mặt, nhập viện cấp cứu. Một người tử vong sau đó, người này đã ăn thịt và gan cá nóc nhiều hơn hai người còn lại.

W-cap-cuu-dien-giat-1.jpg
Ăn cá nóc, không ít người bị ngộ độc phải đi cấp cứu. Ảnh minh họa: Hoàng Linh

Về độc tố của cá nóc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết cá nóc có chứa độc tố tự nhiên là tetrodotoxin. Chất này tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản (buồng trứng, túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Đặc biệt, độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7 hàng năm).

Độc tố cá nóc rất độc, chỉ cần 4 mg thịt cá có độc tố đã giết chết 1 con thỏ 1 kg. Với người, chỉ cần ăn 10 g thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc. Chỉ từ 1-2 mg độc tố có thể gây chết người. 

Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 100 độ C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa; đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút độc tố mới bị phá hủy hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra, do độc tố chưa bị phá hủy hết. Khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá hủy nên vẫn gây ngộ độc với người ăn.

Để không bị ngộ độc thực phẩm do cá nóc, người dân không đánh bắt, bán cá nóc và các sản phẩm từ cá nóc; loại bỏ cá nóc trước khi chế biến các sản phẩm từ cá; người đánh bắt thủy hải sản phải cam kết trước cơ quan quản lý về sản phẩm cá của mình là không có cá nóc; không ăn cá nóc với bất kể hình thức nào.

Hoàng Linh