Trong lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam, tàu ngầm là lực lượng tác chiến đặc biệt, hoạt động trong môi trường đặc thù và đòi hỏi tính kỷ luật, chính xác cao.
Trên phương tiện chiến đấu đặc biệt ấy có những con người đặc biệt với “Lòng trung thành đặc biệt, tinh thần đoàn kết đặc biệt, tính kỷ luật đặc biệt và giữ bí mật đặc biệt”.
Lữ đoàn Tàu ngầm 189 là đơn vị tàu ngầm cấp chiến dịch được trang bị các tàu ngầm Kilo 636, hải đội tàu bảo đảm cùng hệ thống cơ sở bờ đồng bộ, hiện đại. Lữ đoàn có nhiệm vụ độc lập hoặc hiệp đồng với các đơn vị trong và ngoài Quân chủng triển khai bí mật tàu ngầm, tìm kiếm, phát hiện, bám sát và bất ngờ tiến công tiêu diệt các mục tiêu của địch.
Không gian sinh hoạt chật hẹp, thiếu ánh sáng tự nhiên, không có kết nối internet, sóng điện thoại, tivi… đó là những thách thức đặt ra đối với các thủy thủ tàu ngầm trong việc tìm kiếm hình thức giải trí phù hợp sau những giờ làm việc căng thẳng.
Thượng tá Lê Trung Hiếu, Chính trị viên (Tàu ngầm 182-Hà Nội) cho biết: “Trong điều kiện hoạt động đặc thù của tàu ngầm, sau những giờ huấn luyện, đi ca căng thẳng, để tái tạo năng lượng, sức khỏe, giữ vững tinh thần và ý chí cho cán bộ, thủy thủ chúng tôi duy trì rất nhiều hình thức giải trí cho các cán bộ, thủy thủ lựa chọn như xem phim tại câu lạc bộ, tổ chức giao lưu cờ vua, cờ tướng, tổ chức sinh nhật trong lòng biển, bản tin hành trình trong lòng biển… Trong các hình thức đó thì đọc sách là hình thức mà được nhiều cán bộ, thủy thủ lựa chọn nhất”.

Trên tàu ngầm, việc đọc sách không đơn thuần là thú vui hay giải trí. Nó còn là phương pháp hữu hiệu để cán bộ, thủy thủ tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Sự gắn bó đặc biệt
Thiếu tá Trần Trung Nguyên, Trưởng ngành ra đa - sô na (Tàu 187 - Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Tàu ngầm kilo 636 là lớp tàu ngầm diezel - điện hiện đại, tích hợp nhiều công nghệ kỹ thuật tiên tiến, đòi hỏi thủy thủ phải có trình độ chuyên môn cao, sự hiểu biết toàn diện và khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy. Trong bối cảnh đó, đọc sách đã trở thành một hình thức tự học tập có hiệu quả, giúp tôi củng cố kiến thức chuyên ngành, cập nhật kiến thức mới, kinh nghiệm khai thác, bảo quản, bảo dưỡng, làm chủ vững chắc vũ khí trang bị kỹ thuật, làm cơ sở vận dụng cho quá trình huấn luyện, công tác, nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu”.

Không chỉ là hành trình “đơn độc” giữa người với sách, việc đọc còn trở thành cầu nối tình cảm giữa các thủy thủ. Họ cùng nhau chia sẻ, trao đổi sách, thảo luận về nội dung, kể cho nhau nghe những điều thú vị vừa đọc được. Điều đó góp phần xây dựng một không khí đoàn kết đặc biệt - điều vô cùng quý giá trong môi trường khép kín như tàu ngầm và trong những hải trình dài ngày trên biển.
Trên mỗi tàu ngầm có một tủ sách nhỏ với nhiều đầu sách, báo và tạp chí được lựa chọn rất kỹ lưỡng; từ những sách lý luận chính trị, sách về Đảng, về Bác Hồ, đến các tác phẩm văn học kinh điển trong nước và thế giới, sách lịch sử, địa lý, kỹ thuật tàu ngầm,...
Trung tá Nguyễn Văn Thuân, Chính trị viên (Tàu ngầm 183-TPHCM), cho biết: “Sách không chỉ thường xuyên bổ sung từ thư viện của Lữ đoàn, mà còn do đơn vị kết nghĩa tặng, một số khác là sách được chính các thủy thủ trong tàu đóng góp. Những cuốn sách mà các thủy thủ yêu thích, từng gắn bó trong thời gian học tập, công tác hoặc được người thân tặng, giờ đây trở thành tài sản chung cho đồng đội”.

Chia sẻ về những kỷ niệm khi gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu và lan tỏa giá trị sách và văn hóa đọc với các thủy thủ tàu ngầm Lữ đoàn 189, Tiến sĩ giáo dục học, nhà thơ Nguyễn Thụy Anh cho biết: “Với thủy thủ tàu ngầm, đọc sách không đơn thuần chỉ là cách giải trí nhẹ nhõm sau những giờ huấn luyện vất vả và trong những chuyến công tác trong lòng biển mà còn là phương pháp tự học, nâng cao trình độ một cách hiệu quả.
Những câu hỏi sắc sảo được nêu lên khi trao đổi về sách cho thấy các thủy thủ đang rèn luyện cho mình kỹ thuật cá nhân liên quan đến việc đọc nhanh, đọc sâu, ghi chép và phản biện”.
Thượng tá Hoàng Văn Đồng, Bí thư Đảng ủy, Phụ trách Chính ủy Lữ đoàn cho biết: “Văn hóa đọc đã góp phần xây dựng nhân cách, hình ảnh người thủy thủ tàu ngầm Việt Nam mẫu mực, đẹp từ trong đơn vị, gia đình đến ngoài xã hội”.