LTS: Tiến sĩ Trần Thất, nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp (Bộ Tư pháp) là bạn học cấp 3 của nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến và cựu chiến binh Võ Vĩnh Khuyến đã chia sẻ cùng VietNamNet kỷ niệm về những người bạn luôn gắn bó từ thủa ấu thơ và suốt các hành trình trên đường đời sau này. Đặc biệt, họ đều có chung niềm đam mê đặc biệt với những cuốn sách. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả!


Tháng 8/1969, Huyến (nhà văn Đoàn Tử Huyến-PV) được Bộ Đại học ‘triệu tập’ ra Hà Nội để chuẩn bị sang Liên Xô học tập. Tôi đang rất buồn vì Huyến đi không biết mình sẽ đọc sách với ai? May mắn thay, trong buổi chia tay tại nhà Huyến, tôi được giới thiệu với ‘mọt sách’ tên là Võ Vĩnh Khuyến, người xã Đức Lạng. Thực ra, trước đó tôi đã vài lần chạm trán Khuyến ở trường cấp 3 Đức Thọ nhưng chưa dám làm quen vì thấy vẻ mặt của tay này lúc nào cũng lạnh tanh và có vẻ ‘khó chơi’.

Ảnh chụp chung (từ trái qua phải) của nhà văn Đoàn Tử Huyến, ông Võ Vĩnh Khuyến, nhà thơ Hoàng Cầm và tác giả bài báo. Ảnh nhân vật cung cấp

Không ngờ sau buổi gặp mặt tại nhà Huyến tôi và Khuyến nhanh chóng trở thành bạn thân. Nhà Khuyến cách nhà tôi chừng 8 cây số. May mắn là cả hai đều có xe đạp (phương tiện giao thông 'quý tộc' nhất hồi đó) nên chúng tôi có thể gặp nhau hàng ngày. Trên quãng đường đất gồ ghề sang nhà Khuyến, tôi thuộc lòng từng mô đất, ổ gà đến mức đêm cuối tháng tối như mực, tôi vẫn đi xe đạp bằng một tay (vì tay kia bận ôm sách) mà không hề hấn gì. Nhiều buổi tối đến nhà Khuyến chỉ để cùng đọc một quyển sách. Những lúc ấy, thường là Khuyến cầm sách và đọc to cho hai đứa nghe, thi thoảng Khuyến dừng lại và nêu vấn đề rồi cùng bình luận. 

Ông Võ Vĩnh Khuyến (đeo kính) chụp ảnh cùng nhà thơ Tế Hanh. Ảnh nhân vật cung cấp

Là người ‘khắc kỷ’ trong tình bạn, với Khuyến tình bạn chân chính không thể mang ra so sánh với bất cứ điều gì khác trên đời. Vì vậy, Khuyến đặc biệt tôn trọng và giữ lời hứa với bạn như một nguyên tắc bất di bất dịch. Tôi vì vậy cũng rất nghiêm túc trong tình bạn với Khuyến. Khuyến có một tủ sách cá nhân khá phong phú. Năm 1978, Khuyến đi ‘nhậm chức’ giáo viên dạy văn tại CĐSP Nghĩa Bình phải chở đầy 3 xe bò sách từ nhà lên ga Yên Duệ để sau đó chuyển bằng tàu hỏa vào Quảng Ngãi. Phần lớn các tác phẩm văn học Nga- Xô viết và văn học phương Tây mà tôi được đọc trong giai đoạn này là của Khuyến. Dù rất nhiệt tình với tôi trong việc cung cấp sách, tuy nhiên, hắn cũng là tay quý sách và giữ gìn đến mức khó tính.

Tất cả những quyển sách của Khuyến, dù mới hay cũ đều được đóng thêm 2-3 lớp bìa bằng vỏ bao xi măng bọc bên ngoài. Sách lúc nào cũng phải phẳng phiu, không được quăn góc. Khuyến có một chùm chìa khóa bất ly thân dùng để mở các tủ sách của riêng mình. Hai đứa em không bao giờ được cầm đến chùm chìa khóa đó. Mỗi lần tôi đến Khuyến lại đưa chìa khóa cho tôi tự mở tủ và chọn tùy ý. Vì là sách của Khuyến nên không bị hạn chế về thời gian đọc nhưng hắn dặn đi dặn lại không dưới vài lần là ngoài tôi ra không được cho ai mượn. Thực tế tôi đã một lần phạm sai lầm rất nghiêm trọng khi đem cho thằng bạn học cùng lớp mượn tập 3 bộ Thủy Hử của Khuyến. Hậu quả là quyển sách này không bao giờ trở lại. Khuyến dĩ nhiên tiếc đứt ruột nhưng không nỡ rầy la tôi.

Khuyến giữ gìn cẩn thận như vậy nhưng ngược lại, bên trong những quyển sách đó dùng các loại bút đánh dấu một cách không thương tiếc. Tôi nghiệm thấy rằng ở đoạn văn nào hay Khuyến thường đánh dấu nó bằng cách kẻ những dòng xanh, đỏ bên dưới hoặc ghi chú vào bên lề. Nhưng việc ‘gạch dưới’ lại được Khuyến thực hiện rất cẩn thận bằng cách dùng thước kẻ, không bao giờ gạch bằng tay. Còn ghi chú bên lề thường được sử dụng trong những trường hợp nhận xét, bình luận hoặc có quan điểm khác với quan điểm của tác giả… Vì vậy, mỗi lần Khuyến đọc sách trên bàn có đủ dụng cụ: thước kẻ, bút chì, bút mực các màu xanh, đỏ, tím, vàng, trông cứ như một kiến trúc sư làm việc. Tôi mô tả lại một cách chi tiết như vậy là muốn lưu ý rằng Khuyến đọc sách rất nghiêm túc: đọc có suy nghĩ, có nhận xét, bình luận để từ đó rút ra cho bản thân một ‘cái gì đó’ chứ không phải là đọc cho vui. Sách đối với Khuyến là công cụ làm việc chứ không phải để giải trí đơn thuần, càng không phải là dùng trang trí, khoe mẽ.

Khuyến viết nhật ký cũng rất nghiêm túc và đều đặn. Những quyển nhật ký của hắn được đóng bằng loại giấy tốt nhất trong khả năng và bìa cũng bọc giấy bao xi măng. Đây không chỉ là ghi chép sự việc xảy ra trong ngày mà quan trọng hơn là những bình luận, kết luận về sự việc đó. Sau này, khi vào quân đội (Khuyến là lính xe tăng) và cả khi là giáo viên Trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình, Khuyến đều viết nhật ký đều đặn và nghiêm túc. Cứ sau mỗi thời gian xa nhau, khi gặp lại Khuyến thường đưa nhật ký cho tôi đọc thay cho lời kể. Đọc những trang nhật ký này, tôi hình dung rất sống động về cuộc sống của cậu bạn qua từng khoảnh khắc. Khuyến ghi lại sự việc, phân tích, lý giải, tự kiểm điểm bản thân… Tôi hiểu rằng nhật ký đối với Khuyến là một công cụ, một phương pháp tu luyện bản thân hướng tới cái thiện của con người. 

Làm bạn với Khuyến, tôi cũng học được tính nghiêm túc và chăm chỉ. Sau này khi vào bộ đội, trên đường hành quân và ở nơi chiến trường bom đạn tôi đều ghi nhật ký.

Cựu chiến binh Võ Vĩnh Khuyến - sinh 1952, là bộ đội xe tăng những năm 1972-1976. Nguyên sinh viên khoa văn ĐHSP Vinh, tốt nghiệp xuất sắc, giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình (khi đó Quảng Ngãi và Bình Định chung tỉnh). Hiện ông sống ở TP.HCM.

(Ghi theo lời kể của tác giả Trần Thất)