Ấn tượng “cá ăn rác thải nhựa”
Cá ăn rác thải nhựa là mô hình độc đáo ở đảo Cái Chiên. Với thông điệp “Hãy cho tôi xin rác”, chú cá cao 2m này có thể chứa 4-5 tạ vỏ chai nhựa.
Đây cũng là sáng kiến của Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Cái Chiên đưa vào sử dụng trên bến phà và bãi biển của xã Cái Chiên, huyện Hải Hà. Hiện đảo Cái Chiên hiện đã có 6 mô hình “Cá ăn rác thải nhựa”.
Cùng với việc đưa vào sử dụng mô hình “Cá ăn rác thải nhựa”, Đoàn Thanh niên Cái Chiên, Hải Hà còn tổ chức các đội ra quân dọn vệ sinh môi trường, làm sạch bờ biển và khuyến khích các nhà hàng, khách sạn đầu tư các thùng rác theo mô hình “cá ăn rác thải nhựa” phù hợp với điều kiện thực tế…
Chính quyền địa phương cũng chủ động hạn chế rác thải nhựa bằng những việc làm cụ thể như: sử dụng bình nước thủy tinh thay thế cho chai nước nhựa dùng một lần tại các cuộc hội nghị, hội thảo; thay thế ống hút nhựa bằng ống hút giấy, sử dụng túi giấy tái chế bảo vệ môi trường.
Cô Tô phát túi giấy miễn phí cho du khách
Cô Tô đã triển khai Đề án “Hạn chế việc sử dụng túi nilon trên địa bàn huyện Cô Tô giai đoạn 2017-2020”. Theo đó, huyện đã thành lập các tổ đội, tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường, đặc biệt là tuyên truyền viên về hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn.
Các chủ tàu thuyền, các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh, chợ... còn được vận động mua các đồ dùng, như: Làn nhựa, túi giấy thân thiện với môi trường để thay thế túi nilon. Du khách tại bến tàu Cái Rồng sẽ nhận túi giấy, túi nilon thân thiện môi trường miễn phí trước khi ra đảo Cô Tô.
Với sự chung tay của nhiều nguồn lực, người dân và du khách Cô Tô từng bước thay đổi tư duy, bỏ thói quen dùng túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn...
Sôi động “ngày Chủ nhật xanh”
Vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần, từ các ngả đường, tuyến phố trong các khu dân cư trên địa bàn TP. Hạ Long, hàng nghìn người dân cùng nhau tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Toàn dân làm vệ sinh môi trường vì một Hạ Long xanh”. Người dân và cán bộ địa phương cùng nhau làm vệ sinh đường ngõ xóm khu dân cư, khu vực công sở, phát quang bụi rậm; xóa bóc biển các tờ rao vặt trên các tuyến đường, thu gom, phân loại rác thải nhựa...
Bên cạnh đó, từ đầu năm 2019, TP Hạ Long cũng đã bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng các điểm thu gom rác, nhà chứa xe gom rác đảm bảo mỹ quan đô thị.
Từ ngày 1/9/2019 các đơn vị kinh doanh trên vịnh Hạ Long sẽ dùng đồ bằng giấy, thủy tinh, vật liệu sinh học thân thiện với môi trường, dễ phân hủy phục vụ du khách.
Đối với các doanh nghiệp, Ban quản lý vịnh Hạ Long sẽ hỗ trợ nơi cung cấp các sản phẩm thay thế, tiến tới kết nối, hướng dẫn đội ngũ người dân hoạt động chèo đò trên vịnh làm các túi giấy, cung cấp cho các doanh nghiệp để vừa có thêm sinh kế, vừa giúp có thêm vật liệu thay thế thân thiện với môi trường.
Đan làn và sọt nhựa từ vật liệu tái chế
Với thông điệp "Phụ nữ nói không với rác thải nhựa", tại khu 3 và khu 4 phường Hà Trung (TP Hạ Long), chị em phụ nữ cùng nhau thu gom những chiếc dây buộc vật liệu tại các công trình xây dựng thay vì chúng bị bỏ đi thành rác thải khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường, đã được chị em thu lượm dây mang về giặt sạch, phơi khô, sau đó tính toán đan làn đi chợ, đan sọt đựng rác.
UBND phường Hà Trung là một trong những đơn vị đặt hàng các hội viên phụ nữ những sản phẩm sọt đựng rác, hộp đựng bút được làm từ nhựa tái chế sử dụng tại các phòng làm việc của phường.
Với sự tham gia của các liên chi hội phụ nữ, phong trào bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa ở Quảng Ninh ngày càng có hiệu quả, tác động vào thói quen, ý thức của người dân ngay từ đời sống hàng ngày.
N. An